Thừa Thiên Huế: Điểm sáng trong bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa

Nhằm hạn chế những hậu quả khôn lường mà rác thải để lại đối với môi trường, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Những việc làm của Huế thời gian gần đây mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng trên toàn quốc, trở thành điểm sáng để nhiều địa phương học hỏi theo. Ấn tượng với những gì Thừa Thiên Huế làm được, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần biểu dương, gửi thư chúc mừng...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà bày tỏ sự vui mừng khi lãnh đạo Thừa Thiên Huế tặng chai đựng nước bằng thủy tinh để ủng hộ phong trào chống rác thải nhựa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà bày tỏ sự vui mừng khi lãnh đạo Thừa Thiên Huế tặng chai đựng nước bằng thủy tinh để ủng hộ phong trào chống rác thải nhựa

Trong những ngày đầu tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương đến 3 lần về phong trào bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần của tỉnh Thừa Thiên Huế.

“Tôi nhiệt liệt biểu dương các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động, sáng tạo và quyết tâm hành động mạnh mẽ để thúc đẩy thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh” trên toàn tỉnh, làm thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Biểu dương Thừa Thiên Huế chủ động phát động phong trào không sử dụng bao bì nhựa dùng một lần để Huế xanh hơn, sạch hơn, xứng đáng là trung tâm du lịch quốc gia. Phong trào này cần tiếp tục nhân rộng, chứ không chỉ làm một lần là xong và các tỉnh, thành phố khác cần nghiên cứu, học hỏi, làm theo...”, Thủ tướng đã khen ngợi như vậy trong thư chúc mừng và buổi làm việc trực tiếp với Thừa Thiên Huế vào những ngày đầu tháng 6 này.

“Trong thời gian tới, tôi đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục kiên trì, hành động quyết liệt để đưa các phong trào đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Tôi tin tưởng rằng những mô hình hay, sáng tạo từ tỉnh Thừa Thiên Huế như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn”… sẽ được nhân rộng tới các địa phương khác, mang lại môi trường sống trong lành cho mọi người dân chúng ta...”, Thủ tướng nhấn mạnh với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần trong công sở cũng như các cuộc họp, hội nghị...

Lan tỏa phong trào “Ngày chủ nhật xanh”

Được phát động từ đầu năm 2019, phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tại Thừa Thiên Huế với chủ đề “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh- sạch - sáng” đang thật sự lan tỏa, có hiệu ứng rất mạnh. Phong trào này ra đời trong bối cảnh công tác vệ sinh môi trường ở tỉnh này còn nhiều tồn tại. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong bảo vệ môi trường chưa đồng bộ; chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường...

Cho đến nay đã gần nữa năm, có thể nói cụm từ “Chủ nhật xanh” đều được các tầng lớp biết đến. Khởi xướng và đi đầu trong phong trào này không ai khác chính là ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế. Từ nhiều tháng nay, người dân ở Thừa Thiên Huế quen thuộc với hình ảnh ông Thọ cùng lực lượng các cơ quan đoàn thể và nhân dân làm sạch vệ sinh môi trường vào ngày cuối tuần. Tại bãi biển Thuận An (huyện Phú Vang), trong màu áo xanh thanh niên tình nguyện, đầu đội mũ tai bèo, ông Thọ đi dọc bờ biển dọn vệ sinh làm sạch bãi tắm. Tại tuyến đường Sông Như Ý (TP. Huế), ông Thọ cùng nhóm người trẻ dọn rác, trồng cây xanh. Tại xã Nhâm (huyện A Lưới), ông cùng bà con đồng bào đội nắng làm sạch đường làng, ngõ xóm...

Ông Phan Ngọc Thọ còn viết tâm thư gửi người dân trong tỉnh để cảm ơn vì đã đồng thuận, hưởng ứng tích cực phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn- Bạn cùng tôi hãy hành động để hun đúc khát vọng Huế, để Huế mãi là nguồn cảm hứng, niềm tự hào của tôi, của bạn và của mỗi người dù chưa một lần đến Huế. Cám ơn các bạn, tôi tự hào những gì mà các bạn đã làm trong thời gian qua, hãy lan tỏa và hành động…”, ông Thọ nhắn gửi trong tâm thư.

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo xanh tình nguyện, đi dọc bờ biển dọn vệ sinh làm sạch các bãi tắm

Có thể nói, nhận thức về môi trường tại Thừa Thiên Huế đang ngày càng thay đổi tích cực. Từ phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, nhiều chương trình, cuộc vận động đã lan tỏa ở nhiều địa phương, trong đó có phong trào “tổ dân phố không rác”, “thôn làng không rác”, “xây dựng tuyến đường xanh- sạch- đẹp”, “tuyến đường không túi ni lông, không rác thải”, “công sở văn minh, sạch đẹp”, “chúng ta hãy làm sạch biển”... Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đều đã đưa việc triển khai “Ngày chủ nhật xanh” vào tiêu chí thi đua.

Tại huyện Nam Đông, việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường hiện đã trở thành việc làm thường xuyên vào dịp cuối tuần của người dân. Bà Lê Thị Thu Hương- Bí thư huyện Nam Đông cho hay: “Cứ đến ngày thứ bảy, chủ nhật, đúng 7h sáng, người dân sẽ tiến hành dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm. Điều này là một điều rất đáng mừng, từ “Ngày chủ nhật xanh” do tỉnh đề ra, người dân đã ý thức được rằng nhà mình ở đâu, nằm ở tuyến đường nào thì sẽ tiến hành dọn dẹp vệ sinh, tham gia tích cực, hướng đến hình thành một môi trường không những xanh, sạch mà còn đẹp”.

Tại thị xã Hương Thủy, hoạt động hưởng ứng “Ngày chủ nhật xanh” được tổ chức rộng rãi trong khối cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp vào chiều thứ 6 hàng tuần và các địa bàn dân cư vào sáng chủ nhật hàng tuần với những nội dung công việc như thu gom rác thải, xóa các điểm đen về ô nhiễm; vớt bèo, rác thải, khơi thông dòng chảy, diệt cây mai dương, phát quang bụi rậm; bóc xóa các điểm quảng cáo rao vặt sai quy định; lập lại trật tự vỉa hè, lề đường, kiên quyết xử lý các điểm buôn bán trái phép gây mất mỹ quan đô thị; trồng cây xanh, trồng hoa trong khuôn viên và phía trước trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, xây dựng điểm các đường hoa tại địa bàn dân cư,...

Tại các địa phương khác, phong trào “Ngày chủ nhật xanh” cũng lan tỏa nhanh và được đông đảo người dân hưởng ứng. Ông Thọ cho hay, tỉnh sẽ kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, đồng thời công khai những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Chủ nhật xanh phải được phát động thường xuyên liên tục, không được thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, phải đi vào thực chất. Phải thay đổi từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân để người dân thật sự là chủ nhân của phong trào, góp phần cho Huế ngày càng xanh hơn, đẹp hơn, văn minh hơn”- ông Thọ khẳng định.

Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” đang lan tỏa mạnh mẽ tại Thừa Thiên Huế, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường

“Tuyên chiến” với rác thải nhựa

Qua thống kê, chỉ riêng rác thải nhựa, ni lông, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 650 tấn thải ra môi trường. Tại Thừa Thiên Huế, phong trào chống rác thải nhựa đang được diễn ra một cách tích cực. Trong đó, UBND tỉnh này đã phát động và ký cam kết thực hiện phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

Trước mắt UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị công sở trên địa bàn không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần (có dung tích từ 330-500 ml) trong công sở cũng như khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị hội thảo. Thay vào đó, chuyển sang sử dụng các bình nước có dung tích lớn trên 20 lít; hoặc tự đun nấu nước và sử dụng các bình lớn để sử dụng. Tỉnh cũng yêu cầu không sử dụng túi ni lông, khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của các công sở và tại các hội nghị, hội thảo do các đơn vị này tổ chức.

Để thực hiện nghiêm túc, ông Phan Ngọc Thọ cũng chỉ đạo Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần, khó phân hủy. Đồng thời, Sở Tài chính cũng phối hợp với Sở TN&MT hướng dẫn cụ thể một số chủng loại sản phẩm, hàng hóa, vật dụng thay thế.

“Ngay lúc này, việc giảm thiểu rác thải từ nhựa, ni lông đã trở thành yêu cầu hết sức cấp bách và cần được triển khai hành động ngay, trước hết phải bắt đầu từ việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường và sức khỏe của mỗi người. Để phong trào nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần được lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng và xã hội thì mỗi cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn tỉnh phải cùng chung tay hành động, thay đổi thói quen, tư duy và nhận thức, phải là những người đi tiên phong trong việc nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”- ông Thọ nhấn mạnh.

Để chống rác thải nhựa, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã yêu cầu Sở Công Thương trong tháng 6/2019 cùng với UBND huyện Phong Điền khẩn trương khảo sát, hỗ trợ sản xuất để đưa sản phẩm của làng nghề đệm bàng thay thế cho ống hút bằng nhựa; có giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường, tập trung vận động các đơn vị kinh doanh trong khu vực phố đi bộ, các đơn vị dịch vụ sử dụng ống hút thân thiện môi trường, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Được biết hiện nay, các siêu thị ở Huế như Co.Opmart, Big C đã triển khai mô hình dùng lá chuối gói rau, củ... nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần. Ban Quản lý chợ Đông Ba vận động tiểu thương ký cam kết và thực hiện đựng hàng hóa bằng túi giấy tự hủy thân thiện với môi trường. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có phong trào “Di sản Huế nói không với túi ni lông”. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Vang cũng đã tích cực triển khai thực hiện mô hình “Nói không với túi ni lông, đi chợ bằng giỏ nhựa”. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quảng Điền triển khai mô hình “biến rác thải thành tiền”, với việc tự thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình và trên các tuyến đường làng ngõ xóm như các vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt, các chai nhựa, hộp nhựa, vỏ hộp sữa, giấy báo... và đến ngày 15 hàng tháng các chị đem đến điểm tập kết nhà văn hóa thôn để nộp và bán.

Các siêu thị ở Huế đã triển khai mô hình dùng lá chuối gói rau, củ... nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần

Trao đổi thêm với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế rất vui mừng và tự hào khi được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, động viên sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt của tỉnh trong việc triển khai các phong trào bảo vệ môi trường...

“Đây là nguồn động viên to lớn, hết sức quý báu để cho Thừa Thiên Huế ngày càng quyết tâm hơn nữa, tiếp tục triển khai có chiều sâu, đồng thuận, nâng cao trách nhiệm, lan tỏa thêm nữa không chỉ trên địa bàn mà còn trên phạm vi quốc gia. Thời gian tới tỉnh sẽ nhân rộng những mô hình hay, tuyên dương những điển hình tiên tiến để nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường. Khi bạn nhặt một cọng rác, sẽ có thêm người nhặt rác và sẽ bớt một người xả rác...”, ông Phan Ngọc Thọ bộc bạch.

Văn Dinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/chong-rac-thai-nhua/thua-thien-hue-diem-sang-trong-bao-ve-moi-truong-chong-rac-thai-nhua-1270630.html