Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững

Thừa Thiên Huế có diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 348.789,28 ha, trong đó diện tích đất có rừng 311.051,09 ha (bao gồm rừng tự nhiên là 211.376,97 ha; rừng trồng là 99.674,12 ha). Độ che phủ rừng toàn tỉnh hiện nay đạt 57,34%, và thuộc nhóm cao trong cả nước.

So với các địa phương có rừng, rừng tự nhiên tại Thừa Thiên Huế cơ bản vẫn được giám sát chặt chẽ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đã và đang góp phần nâng cao đời sống, là cơ hội làm giàu của nhiều hộ dân ở vùng nông thôn, miền núi; trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC đang phát triển theo chiều hướng tốt.

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh triển khai hoạt động quản lý rừng bền vững và đã đạt được một số kết quả trọng tâm đáng ghi nhận, đó là: Việc quản lý nương rẫy, lấn chiếm rừng và đất rừng đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, Chương trình hành động số 27/CTr-TU ngày 23/8/2017 của Ban Thường trực Tỉnh ủy và Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 23/10/2017 UBND tỉnh. Trong giai đoạn 2016 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã bám sát nhiệm vụ được giao, kết hợp với ứng dụng ảnh viễn thám, phần mềm theo dõi diễn biến rừng đã kiểm tra và kịp thời phát hiện sớm và ngăn chặn 162 vụ phá rừng với tổng diện tích 42,64 ha tại các địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Thủy. Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND ngày 04/12/2015 của UBND tỉnh, tập trung việc xử lý các diện tích rừng đã bị lấn chiếm trái phép, lập thủ tục thu hồi trả lại cho các chủ rừng, cũng như tiếp tục xây dựng phương án rà soát và xử lý các diện tích vi phạm khác.

Hình ảnh Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ việc mở rộng chứng chỉ FSC trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy rừng, trong đó có 9 vụ cháy rừng gây thiệt hại với diện tích 13,3 ha; loài cây Keo (rừng sản xuất), Thông (rừng đặc dụng tại TP. Huế); Lũy kế 21 vụ, diện tích thiệt hại 167,7ha. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do xử lý thực bì, đốt vàng mã,.. Nhờ chủ động công tác phòng ngừa và có sự chỉ đạo sâu sát của Ban chỉ đạo các cấp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng: Kiểm lâm, Cảnh sát PCCC và CHCN, Công an, Quân đội, địa phương và chủ rừng trên địa bàn, nên đã kiểm soát được tình hình cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn. Các địa phương, đơn vị, chủ rừng nhà nước xây dựng và thực hiện nghiêm túc phương án QLBVR-PCCCR và tổ chức thi công đưa vào sử dụng các công trình phòng cháy; rà soát, sửa chữa các loại phương tiện, dụng cụ PCCCR phục vụ cho mùa khô nóng. Hiện tại, Quy chế phối hợp giữa các lực lượng (khi có cháy lớn xảy ra) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang được soạn thảo.

Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Kiểm lâm phối hợp các đơn vị chủ rừng tổ chức được 1.319 đợt truy quét với 38.907 ngày công và đã xử lý được 1.953 vụ vi phạm; tịch thu 2.169,596 m3 gỗ, tịch thu nhiều thiết bị, tháo dỡ nhiều lán trại và bẫy các loại. Với việc Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức ký kết và triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng nhà nước; xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức chốt chặn và tuần tra kiểm soát trên địa bàn các khu vực trọng điểm, đã góp phần làm giảm đáng kể số vụ vi phạm và khối lượng lâm sản so với các năm trước đây. Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND, các đơn vị liên quan đã rà soát, kiểm tra và tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 65. Hàng năm, diện tích đưa vào khoán bảo vệ rừng đạt trên 200.000 ha, hiện diện tích rừng này đang được quản lý bảo vệ tốt. Hoạt động trồng mới rừng và nâng cấp chất lượng rừng đang được đẩy mạnh theo hướng tăng quy mô lẫn chất lượng rừng, diện tích rừng trồng từ năm 2016 - 2019 đạt hơn 21.314,6 ha.

Ông Võ Văn Dự - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tỉnh chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7.768,3 ha rừng keo được cấp chứng chỉ rừng FSC, trong đó Công ty TNHH NN 1TV Lâm nghiệp Tiền Phong 3.096,4 ha, của nhóm hộ gia đình là 4.671,9 ha. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức các lớp tập huấn về “phương pháp phân tích ảnh vệ tinh và sử dụng máy tính bảng trong công tác theo dõi biến động rừng” cho hơn 500 lượt người là cán bộ kỹ thuật của các đơn vị chủ rừng và cán bộ Kiểm lâm địa bàn trên toàn tỉnh sử dụng thành thạo các bộ công cụ này; Sử dụng phương pháp phân tích, giải đoán ảnh vệ tinh, tích hợp sử dụng máy tính bảng trong công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng giúp lực lượng Kiểm lâm thực hiện tốt mục tiêu “quản lý rừng thông minh”. Những cán bộ đã qua tập huấn từng bước áp dụng được công nghệ vào triển khai công việc, số liệu đăng tải có sự chính xác hơn.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp luật liên quan; Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động nhân dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở các khu vực gần rừng, ven rừng tham gia bảo vệ rừng; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 65 để thu hồi các diện tích rừng bị lấn chiếm tại các địa phương, đơn vị; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo tinh thần Thông tư số28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm với các đơn vị chức năng liên quan như Công an, Quân đội, dân quân tự vệ,...; Tổ chức rà soát sắp xếp lại các tổ chức quản lý rừng theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Khuyến khích các hình thức liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến và các chủ rừng theo mô hình chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn; Nâng cao năng suất rừng và chất lượng rừng thông qua việc phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, nâng cao tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ; Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát tài nguyên rừng, tranh thủ hỗ trợ từ các chương trình dự án trong nước và quốc tế (FCPF 2, ECODIT, JICA, FAO...) để tăng cường nguồn lực kỹ thuật và tài chính cho công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên; Tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, kêu gọi đầu tư phát triển lâm nghiệp thông qua các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho ngành lâm nghiệp.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thua-thien-hue-day-manh-cong-tac-quan-ly-rung-ben-vung-post68461.html