Thừa Thiên Huế: Đào tạo nghề từng bước chuyển từ cung sang cầu

Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề của tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua có sự chuyển biến tích cực; đào tạo từng bước chuyển từ cung sang cầu, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực

Công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến tích cực

Mới đây, Đoàn khảo sát của Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế: công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đã được sự quan tâm, triển khai tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền toàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đối với công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và từng địa phương nói riêng.

Hệ thống ngành nghề đào tạo ngày càng mở rộng, hình thức đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, khả năng của người học. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề có sự chuyển biến tích cực; đào tạo từng bước chuyển từ “cung” sang “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng qua các năm.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng gắn bó. Doanh nghiệp tham gia ngày càng tích cực vào công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, từ công tác tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất đến khâu đánh giá, công nhận kết quả đào tạo và tuyển dụng lao động…

Theo ông Sơn, Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng: năm 2014 là 52%, năm 2018 tăng lên 64%. Tỷ lệ người học sau khi qua đào tạo nghề tìm được việc làm đối với hệ sơ cấp là 80%; đối với hệ trung cấp tỷ lệ này là 85% và hệ cao đẳng là 90%. Tỷ lệ người học sau khi qua đào tạo nghề tìm được việc làm đối với hệ sơ cấp là 80%; đối với hệ trung cấp tỷ lệ này là 85% và hệ cao đẳng là 90%. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong những năm qua đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, thay đổi tư duy lao động sản xuất của người lao động, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng nhìn chung hiện nay chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, năng lực nghề nghiệp của người lao động vẫn còn thấp; Vẫn còn tình trạng người lao động được tuyển dụng làm việc tại doanh nghiệp không vận hành được máy móc, trang thiết bị buộc phải đào tạo lại.

Đại diện Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã có những kiến nghị, đề xuất đối với Đoàn khảo sát Trung ương, như: quan tâm vấn đề quy hoạch mạng lưới giáo dục đào tạo nghề nghiệp hợp lý, chặt chẽ và phát huy tính hiệu quả hơn nữa; chú trọng công tác dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đối với từng tỉnh; các chính sách, cơ chế đối với đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao hiện nay.

CAO TIẾN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thua-thien-hue-dao-tao-nghe-tung-buoc-chuyen-tu-cung-sang-cau-d99459.html