Thừa Thiên-Huế cho tàu du lịch nước ngoài mở tất cả các dịch vụ

Sau Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế là nơi thứ hai ở miền Trung cho phép tàu du lịch nước ngoài đến địa phương được mở tất cả các dịch vụ cho hành khách trên tàu thay vì phải đóng cửa khu trò chơi có thưởng, cửa hãng miễn thuế... như trước đây.

Khu trò chơi có thưởng trên một tàu du lịch nước ngoài cập cảng tại Việt Nam - Ảnh: Đào Loan

Ông Lê Hữu Minh, Phó giám đốc Phụ trách Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau khi tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan và rà soát các quy định liên quan, tỉnh thấy rằng việc cho phép tàu du lịch nước ngoài cập cảng tại đây được mở tất cả các dịch vụ cho khách trên tàu là không vi phạm bất kỳ quy định nào nên tỉnh đã đưa ra quyết định trên để thu hút khách.

Tương tự như nhiều địa phương khác, trước đây, Thừa Thiên - Huế cũng không cho phép tàu du lịch được mở nhiều dịch vụ trên tàu khi cập cảng tại đây, đặc biệt là khu trò chơi có thưởng (còn gọi là casino), khu bán rượu, khu bán đồ lưu niệm cho hành khách...

Tuy nhiên, theo nhiều hãng tàu và công ty du lịch thì lệnh cấm này chỉ là cấm theo thói quen, đã thực hiện từ vài chục năm trước nên nay tiếp tục làm, không có bất cứ văn bản nào quy định về việc này. Vì thế, từ đầu năm ngoái, Đà Nẵng đã cho phép mở cửa dịch vụ.

Cũng theo ông Minh, việc tạo thêm thuận lợi cho du khách, hãng tàu đến Thừa Thiên - Huế là một trong những hoạt động để địa phương này thúc đẩy phát triển du lịch, nhắm đến mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, du khách đường biển và đường sắt được xác định là lượng khách quan trọng của ngành du lịch địa phương này.

"Với đường hàng không, Huế sát Đà Nẵng nên có sự cạnh tranh rất lớn nhưng với đường biển thì chúng tôi có lợi thế hơn vì khách châu Âu, Bắc Mỹ thích khám phá kinh thành, văn hóa Huế. Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực phát triển cầu cảng, tạo dịch vụ để thu hút khách", ông nói.

Hiện nay, cảng Chân Mây đã có thể đón được tàu du lịch loại lớn tại cầu cảng số 1. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đầu tư cảng số 2,3 để có thể chuyển phần lớn giao dịch hàng hóa đến đây, giúp cầu cảng số 1 có thể đón nhiều tàu du lịch lớn. Tỉnh cũng sẽ xúc tiến, kêu gọi đầu tư một số bến khác nhằm đưa Chân Mây trở thành cảng du lịch quốc tế nối với Hạ Long, Vũng Tàu, Phú Quốc, Hong Kong, Singapore, Philippines.

Năm 2016, lượng khách tàu biển nước ngoài đến Thừa Thiên - Huế đạt 79.000 lượt. Năm nay, lượng khách sẽ tăng gần gấp đôi, lên 150.000 lượt.

Cũng theo ông Minh, thu hút khách bằng đường sắt cũng là biện pháp mà ngành du lịch tỉnh đưa ra để giải quyết áp lực cạnh tranh với một số địa phương lân cận. Ngành du lịch vừa kêu gọi 40 công ty lữ hành, khách sạn ở Huế ký kết hợp tác với ngành đường sắt để đưa ra những gói khuyến mãi cho du khách. Sở cũng đã đạt được thỏa thuận với đường sắt để có các toa tàu chở khách đi trên các tuyến ngắn từ Huế đến Quảng Nam, Quảng Bình và Đà Nẵng.

"Trước đây, vì không có tàu nên các công ty du lịch không thể mở những tuyến ngắn như thế này nhưng nay với sự hợp tác mới thì chúng tôi có thể khai thác tuyến du lịch Con đường Di sản miền Trung với những đoạn ngắn, phục vụ cho những khách quốc tế tại Huế và một số khách nội địa chỉ muốn đi ngắn ngày", ông nói.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu rất cao cho ngành du lịch trong những năm tới. Theo kế hoạch hành động nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa được UBND tỉnh ban hành vào cuối tháng 5-2017, tỉnh muốn lượng khách đến đây đạt 5 triệu lượt vào năm 2020, tăng 1,7 triệu so với năm ngoái. Doanh thu du lịch đạt 6.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2016. Mảng du lịch, dịch vụ sẽ đóng góp trên 55% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh) của địa phương.

Để đạt mục tiêu này, Thừa Thiên - Huế đề ra nhiều hoạt động như hoàn thiện giao thông, cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm mới và quảng bá hình ảnh. Đọc thêm:

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/161141/thua-thien-hue-cho-tau-du-lich-nuoc-ngoai-mo-tat-ca-cac-dich-vu.html/