Thừa Thiên - Huế: Cấy ghép ốc tai điện tử giúp khôi phục thính giác

Ngày 8/7, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện ca cấy ghép ốc tai điện tử cho bệnh nhi Dương Anh H. (30 tháng tuổi, trú tại Đà Nẵng) bị điếc sâu hai tai, đã đeo máy trợ thính trên 6 tháng nay nhưng kém hiệu quả.

Bệnh viện Trung ương Huế đã trao tặng bộ cấy ghép ốc tai điện tử trị giá 322 triệu đồng và thực hiện cấy ốc tai điện tử miễn phí cho bé trai Dương Anh H. (30 tháng tuổi, trú tại Đà Nẵng).

Bệnh viện Trung ương Huế đã trao tặng bộ cấy ghép ốc tai điện tử trị giá 322 triệu đồng và thực hiện cấy ốc tai điện tử miễn phí cho bé trai Dương Anh H. (30 tháng tuổi, trú tại Đà Nẵng).

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi sự trợ giúp của chuyên gia PGS.TS. Cao Minh Thành - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Ốc tai điện tử được cấy cho bệnh nhi Dương Anh H. là ốc tai điện tử Neuro Zti của hãng Oticon Medical. Đây là sản phẩm được sản xuất tại Pháp, có nhiều ưu điểm và tính năng vượt trội. Đây là bộ cấy ốc tai điện tử với công nghệ mới nhất, được chế tạo để sẵn sàng tương thích với công nghệ tương lai với độ an toàn cao. Bộ cấy trong thiết kế thành một khối, với diện tích nhỏ nhất và mỏng nhất trên thị trường, có độ chịu lực cao nhất (7 Jules), chuỗi điện cực thẳng, mềm mỏng giúp chèn vào ốc tai dễ dàng, bảo tồn cấu trúc còn lại trong ốc tai và có 20 hạt điện cực tròn giúp tối ưu hóa bề mặt tiếp xúc cũng như kích thích thần kinh thính giác

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, việc phẫu thuật được thực hiện an toàn hơn, tin cậy và nhanh chóng nhờ vào hệ thống cố định độc đáo ít gây tổn thương. Hệ thống cố định bằng vít Titanium của Oticon Medical tạo nên một “kỹ thuật phẫu thuật nhanh và đơn giản cho phép ngăn ngừa di lệch bộ cấy hiệu quả”. Công nghệ cố định này cho phép cấy ghép mà không cần khoan giường trên xương sọ, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng, đồng thời giảm đáng kể thời gian gây mê và phẫu thuật lên đến 40 phút.

Phẫu thuật nhanh, giảm xâm lấn, không khoan giường, bộ cấy nhỏ gọn đồng nghĩa với việc cho phép bảo tồn độ dày xương sọ, bộ cấy đặt gần tai hơn, vết cắt phẫu thuật nhỏ hơn, thời gian gây mê ngắn hơn, thời gian hồi phục sau cấy nhanh hơn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng... là những lợi điểm vô cùng to lớn, rất an toàn và phù hợp với trẻ em.

Bác sỹ thực hiện cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhân Dương Anh H.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đang ngày càng được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam và chúng tôi cũng mong rằng việc triển khai cấy ốc tai tại Khoa Tai Mũi Họng giúp cho các bệnh nhân điếc nặng và sâu tại địa phương có thể tiếp cận với thế giới âm thanh, hòa nhập với cộng đồng và giao tiếp xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của Bệnh viện Trung ương Huế trong việc tiếp cận với kỹ thuật y khoa công nghệ cao.

Cấy ghép ốc tai điện tử được xem như là một vị cứu tinh của trẻ điếc bẩm sinh đã đem lại cơ hội cho những đứa trẻ này có khả năng nghe và phát triển ngôn ngữ, hòa nhập với cộng đồng. Không giống như máy trợ thính, ốc tai điện tử đòi hỏi phải phẫu thuật cấy ghép vào bên trong ốc tai và hoạt động khác với máy trợ thính. Thay vì khuếch đại âm thanh dựa vào chức năng tế bào lông thính giác còn lại, nó giúp người dùng cảm nhận âm thanh bằng cách xử lý thành xung điện, kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác bỏ qua phần tế bào lông thính giác bị tổn thương, giúp cho những người bị nghe kém từ mức độ nặng đến điếc sâu vẫn có thể hiểu lời nói tốt hơn, nâng cao nhận thức và có thể giao tiếp tốt hơn trong môi trường ồn, tự tin hòa nhập với cuộc sống”.

Trí Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thua-thien-hue-cay-ghep-oc-tai-dien-tu-giup-khoi-phuc-thinh-giac-283706.html