Thừa Thiên Huế cần quan tâm tôn tạo công trình kiến trúc 'phát lộ' trên di tích Thượng Thành

Sáng 4/7, đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các Sở, ban, ngành về việc khảo sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn tỉnh.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện. Tuy nhiên, hiện một số hồ thủy lợi có hạng mục phụ trợ hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ; các thiết bị cơ khí, một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp.

Đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách để nâng cấp, sữa chữa đập ngăn mặn Thảo Long; đập ngăn mặn Cửa Lác; 8 đập, hồ chứa nước; xem xét đầu tư nâng cấp một số đường cứu hộ cứu nạn của một số hồ chứa lớn để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống lũ lụt.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc.

Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, hiện Thừa Thiên-Huế đang thực hiện các bước để xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành các Nghị quyết cho Thừa Thiên Huế về mở rộng địa giới hành chính TP Huế; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế. Cho phép tỉnh bổ sung tiêu chí về đô thị có tính chất đặc thù di sản đối với Thừa Thiên Huế vào nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước cho từng giai đoạn 5 năm.

Đoàn công tác Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội thăm khu TĐC Hương Sơ, TP Huế.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự cố gắng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phó Chủ tịch Quốc hội ấn tượng với sự tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh tuy có giảm nhưng không để âm; văn hóa, xã hội vẫn giữ được sự ổn định; quốc phòng - an ninh đảm bảo.

Đặc biệt đánh giá cao công tác di dân vùng Thượng Thành, khu vực 1 Kinh thành Huế khi người dân rất đồng tình, phấn khởi trước cách làm của tỉnh. Cùng với di dân, tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm tôn tạo các công trình kiến trúc, nhất là những kiến trúc phát lộ trên vùng Thượng Thành theo cơ chế ngân sách tạm thời. Để thực hiện vấn đề này, tỉnh sớm trình phương án để Quốc hội xem xét.

Đoàn công tác Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội khảo sát di tích Thượng Thành, Kinh thành Huế.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Thừa Thiên Huế là tỉnh có lượng mưa lớn, lại có nhiều hồ đập với dung tích trữ nước rất lớn. Vì vậy vấn đề an toàn hồ đập phải luôn đặt lên hàng đầu. Đối với các hồ đập xuống cấp được kiến nghị, đề xuất sửa chữa cần có phương án hỗ trợ sửa chữa ngay để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên tỉnh cần có quy hoạch về thủy lợi để tránh thiệt hại về kinh tế.

“Tất cả những kiến nghị của tỉnh, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, đoàn công tác sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ hợp tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thua-thien-hue-can-quan-tam-ton-tao-cong-trinh-kien-truc-phat-lo-tren-di-tich-thuong-thanh-601567/