Thừa Thiên - Huế cần gì để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

Các chuyên gia, doanh nhân kiến nghị Thừa Thiên - Huế cần liên kết vùng chặt chẽ hơn với các địa phương lân cận, chú trọng phát huy lợi thế về du lịch biển, kinh tế biển.

“Huế từng có thời kỳ vàng son là kinh đô Việt Nam. Ngày nay, chúng tôi có niềm tin Huế sẽ phát triển như những gì vốn có của nó”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ mở đầu buổi gặp gỡ cộng đồng trí thức, doanh nhân người Huế tại TP.HCM ngày 4/4 với chủ đề tiếp thu ý kiến đóng góp để phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tháo gỡ nút thắt hạ tầng

Ông Thọ thông tin Thủ tướng đã cấp phép cho tập đoàn Gilimex đầu tư Khu công nghiệp Phú Bài 4. Tỉnh kỳ đây sẽ là một khu công nghiệp hiện đại để đón đầu những doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, dù đã thúc đẩy hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế, chủ tịch Thừa Thiên - Huế thừa nhận hạ tầng của tỉnh còn yếu và là điểm nghẽn lớn để thu hút nhà đầu tư. Tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ vấn đề này.

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đang xây dựng thêm một nhà ga hành khách và và Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương mở thêm một nhà ga hàng hóa, kéo dài đường băng sân bay này. Dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Phú Bài khi hoàn thành được kỳ vọng tháo gỡ nút thắt về vận tải của Thừa Thiên - Huế.

Về đường bộ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang được xây dựng và đoạn La Sơn - Túy Loan đã cơ bản hoàn thành. Hầm đường bộ Hải Vân 2 cũng đã được khơi thông.

Song song đó, dự án 127 km đường ven biển đã được đưa vào kế hoạch xây dựng trong 5 năm tới. Theo ông Thọ, đây là con đường chiến lược để phát triển kinh tế biển, khai thác tiềm năng của vùng đầm phá ở Thừa Thiên - Huế.

Ông nhấn mạnh kinh tế biển, du lịch biển sẽ là trọng tâm được tỉnh tập trung phát triển thời gian tới. Nhiều dự án du lịch ven biển tại Thừa Thiên - Huế đã được khởi công. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư.

 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu với cộng đồng trí thức, doanh nhân người Huế ngày 4/4. Ảnh: TTH.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu với cộng đồng trí thức, doanh nhân người Huế ngày 4/4. Ảnh: TTH.

Ngoài việc phát triển kinh tế, ông Thọ cho rằng việc xây dựng những thương hiệu riêng của Huế như “kinh đô ẩm thực”, “kinh đô áo dài”, “xứ sở mai vàng” cũng là mục tiêu quan trọng. Theo ông, nhiều tài nguyên du lịch đang bị lãng phí khi công tác quảng bá, truyền thông chưa hiệu quả. “Người ta biến không thành có, còn Huế có cũng như không”, ông Thọ nói đùa.

Đề xuất phát triển đô thị đôi, điện thủy triều

Hiến kế cho lãnh đạo tỉnh, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đề xuất Thừa Thiên - Huế cần đưa tư duy liên kết vùng, khu vực vào tầm nhìn phát triển. Đơn cử như Huế cùng với Đà Nẵng, Hội An có thể cùng nhau kết nối tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút khách du lịch.

Cùng chung nhận định với bà Ninh, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng Thừa Thiên - Huế nên liên kết với Đà Nẵng để hình thành một cụm đô thị đôi, trở thành trung tâm của vùng kinh tế miền Trung. Chuyên gia quy hoạch này kiến nghị hướng phát triển của tỉnh nên là Đông và Đông Nam, hình thành các khu đô thị sân bay Phú Bài, đô thị cảng biển Chân Mây.

Song song đó, KTS Nam Sơn nhận xét dù tốc độ phát triển thời gian qua chưa nhanh nhưng chính nhờ đó, Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương bảo tồn di sản tốt nhất trên cả nước. Công tác bảo tồn cần được tiếp tục chú trọng để tỉnh có thể phát triển bền vững, phát huy giá trị các di sản quý giá.

Thừa Thiên - Huế cùng Bắc Ninh, Khánh Hòa là 3 tỉnh dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Hoàng Hải.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải nêu đề xuất Thừa Thiên - Huế nên nghiên cứu phát triển điện thủy triều trên vùng đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Giải pháp này không những đem lại lợi ích về năng lượng mà có thể làm nước biển ở khu vực này trong xanh hơn, gián tiếp thúc đẩy du lịch biển.

Chỉ ra hạn chế về kinh tế của Thừa Thiên - Huế như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) còn thấp so với các địa phương xung quanh, GS Hà Tôn Vinh kiến nghị tỉnh cần gia tăng cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong quá trình đó, tỉnh cần quan tâm đặc biệt đến giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số toàn diện.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐQT L&A Holding Phạm Thị Mỹ Lệ nhận định nhiều học sinh, sinh viên Huế học tốt tiếng Nhật và văn hóa Huế cũng có những nét tương đồng với Nhật Bản. Bà Lệ đánh giá đây là lợi thế để tỉnh thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.

Lắng nghe các ý kiến đóng góp, chủ tịch Thừa Thiên - Huế thừa nhận xuất phát điểm về kinh tế của tỉnh rất thấp. “Muốn phát triển phải cần cả thế và lực nhưng chúng ta chưa có lực. Quá trình đưa Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo thế để thu hút lực”, ông Thọ khẳng định.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thua-thien-hue-can-gi-de-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-post1200940.html