Thừa Thiên - Huế cấm biển, chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ, nên từ ngày 2 - 6/9, ở Thừa Thiên - Huế sẽ có mưa to đến rất to trên diện rộng (tổng lượng mưa phổ biến 300 - 500mm/đợt).

Tàu thuyền neo đậu ở âu thuyền Phú Hải, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế.

Tàu thuyền neo đậu ở âu thuyền Phú Hải, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và một đợt mưa lớn diện rộng, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương trong tỉnh: Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão để chủ động phòng tránh; tổ chức kêu gọi tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn, chậm nhất là ngày 2/9/2019.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn, liên lạc đài trực canh để thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, gây gió mạnh để chủ động phòng tránh. Bộ đội biên phòng tỉnh chủ động sử dụng 4 xuồng máy, cùng cán bộ chiến sỹ phối hợp với chính quyền địa phương và chủ tàu, thuyền trưởng hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền vào âu thuyền Phú Hải, Thuận An, neo đậu an toàn. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cấm tàu thuyền hoạt động trên biển và vùng cửa biển, cửa sông cho đến khi có thông báo mới.

Các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chỉ đạo triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa khu vực ven biển; an toàn cho khách du lịch tại các khu du lịch, bãi tắm biển; chỉ đạo các địa phương triển khai tổ chức thu hoạch nhanh gọn lúa vụ Hè Thu 2019, hoa màu và diện tích nuôi trồng, lồng bè thủy sản. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, hạ lưu các hồ, đập; vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu khẩn cấp; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc.

Chủ đầu tư các công trình, giao thông, thủy lợi, dân dụng, công trình ven biển đang thi công có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Cùng với đó, các lực lượng của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các sở, ban, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ chủ động phối hợp với địa phương, đơn vị triển khai phương án ứng phó với mưa lũ. Do thời điểm mưa bão trùng với lễ khai giảng năm học mới nên Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để chỉ đạo các trường tổ chức lễ khai giảng phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, nhất là các vùng thấp trũng...

Tin, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/thua-thien-hue-cam-bien-chu-dong-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-20190902082813026.htm