Thừa Thiên Huế: Cả làng ký đơn đòi quyền lợi bị 'lãng quên'

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố kế hoạch mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài với tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng để nâng cấp cảng là 153,17 ha. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều hộ dân sẽ bị thu hồi đất các loại, trong đó bao gồm đất canh tác, sản xuất. Tuy nhiên đã có nhiều người bị 'lãng quên' quyền lợi nên họ đã viết đơn tập thể để đòi lại.

Năm 2018, phía sân bay Phú Bài và UBND thị xã Hương Thủy đã và đang phối hợp triển khai việc cắm mốc để làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai dự án, đồng thời rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với quỹ đất quy hoạch mở rộng cảng. Trước mắt, tỉnh quy hoạch quỹ đất phục vụ dự án mở rộng sân bay Phú Bài tại địa bàn các xã, phường thuộc TX. Hương Thủy, gồm: phường Phú Bài và 2 xã Thủy Tân, Thủy Phù. Diện tích đất cần giải phóng mặt bằng để nâng cấp cảng là 153,17 ha.

Ông Lê Văn Ngọt dẫn chúng tôi đến khu vực Trằm Hồ, nơi vẫn còn khoảng 50 lăng mộ thân nhân quá cố của người dân Tân Tô nằm bên trong hàng rào sân bay Phú Bài

Mới đây, phóng viên báo LĐXH - báo điện tử Dân Sinh nhận được đơn phản ánh tập thể của hơn 60 hội dân thôn Tân Tô (xã Thủy Tân, TX. Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), đòi quyền lợi liên quan đến 30ha đất ở Trằm Bơi và Trằm Hồ nằm trong diện bị thu hồi để phục vụ dự án mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Trong đơn, người dân phản ánh: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (1975), theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thực hiện khai hoang, phục hóa những vùng đất trước đây vì lý do chiến tranh không thể canh tác lâu dài được, Đảng bộ, chính quyền huyện Hương Phú (nay tách thành huyện Phú Vang và TX. Hương Thủy) và xã Thủy Tân đã phát động, kêu gọi người dân xã Thủy Tân, cụ thể là người dân làng Tân Tô vào khai hoang, phục hóa 2 vùng đất Trằm Bơi, Trằm Hồ. Đây là vùng đất trước đó bị Mỹ ngụy chiếm đóng làm căn cứ quân sự phục vụ chiến tranh, nằm bên cạnh sân bay quân sự Phú Bài khi đó.

Từ năm 1976 đến 2002, bà con thôn Tân Tô vẫn thường xuyên canh tác hoa màu, trồng lúa trên diện tích 30ha ở 2 khu vực này, thậm chí cả chôn cất người thân quá cố. Đến năm 2002, sân bay Phú Bài được nâng cấp, mở rộng nhà ga và đường băng để phục vụ thương mại. Cũng từ đây, việc sản xuất của người dân tại 2 khu vực Trằm Bơi và Trằm Hồ gặp nhiều khó khăn do liên quan yếu tố an ninh, an toàn hàng không. Đến năm 2007, Ban Quản lý cảng hàng không Phú Bài cho dựng hàng rào thép gai xung quanh khu vực Trằm Hồ và Trằm Bơi, buộc người dân cũng phải ngưng canh tác, sản xuất trên phần đất mà chính họ đã khai hoang, phục hóa. Không những thế, người dân cũng không được đền bù, giải quyết quyền lợi.

Theo người dân làng Tân Tô cho biết, đầu năm 2018, sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có thông báo về việc đền bù, giải quyết quyền lợi cho các hộ dân có diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án, trong đó bao gồm cả 2 khu vực Trằm Bơi và Trằm Hồ. Tuy nhiên, khi họ đến chính quyền địa phương để tìm hiểu thì được giải thích rằng "do bỏ canh tác lâu năm nên không được đền bù" (?).

Ông Phạm Văn Xô (82 tuổi, một trong nhiều người ký đơn kiến nghị) nói: “Ngày đó, chúng tôi theo sự động viên của chính quyền vào vùng đất này khai hoang, phục hóa. Sau chiến tranh, khu vực này vẫn còn nhiều vật liệu nổ sót lại, nhưng vì quá khổ nên người dân vẫn phải lao vào cày cuốc, vỡ đất bất chấp nguy hiểm để trồng cây ngô, cây sắn, củ khoai. Có người đã chảy máu, thậm chí có trường hợp lòi ruột vì cuốc trúng đạn súng. Chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất cho đến khi sân bay dựng hàng rào thép gai. Đất ở bên trong hang rào thì không vào được, còn bên ngoài thì cũng gặp nhiều khó khăn về đường đi lối lại.”

Ông Lê Văn Ngọt (50 tuổi) dẫn chúng tôi men theo một lối đi toàn đất cát, có đoạn phải dắt bộ xe qua để đến khu vực Trằm Hồ. Nơi này hiện vẫn còn hơn 50 lăng, mộ người thân quá cố của người dân Tân Tô được chôn cất ở đây. “Hàng năm muốn vào chạp mộ (tảo mộ) cho ông bà cũng rất khó khăn. Tới đây, khi mở rộng sân bay, chắc chắn số mộ này cũng sẽ phải di dời”, ông Ngọt cho biết.

Phần lớn diện tích đất Trằm Hồ giờ nằm bên trong hàng rào bảo vệ sân bay Phú Bài

Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hợp - Chủ tịch UBND xã Thủy Tân (quản lý khu vực Trằm Hồ) và ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch UBND phường Phú Bài (quản lý khu vực Trằm Bơi). Cả 2 vị Chủ tịch này đều xác nhận có việc người dân ở thôn Tân Tô (Thủy Tân) gửi đơn kiến nghị về quyền lợi đối với diện tích đất tại Trằm Bơi và Trằm Hồ. Đồng thời, cả ông Hợp và ông Việt đều khẳng định xử lý công việc theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. “Theo quy định nếu là đất sản xuất nông nghiệp thì người dân phải sản xuất liên tục, đằng này bà con đã bỏ hoang quá lâu năm”, ông Việt giải thích.

Bên cạnh đó, trong đơn người dân Tân Tô cũng trình bày việc đất của họ canh tác ra nhưng sau khi gặp khó khăn trong sản xuất nên bà con ngưng làm, giờ lại có vài cá nhân được nhận tiền đền bù tài sản trên đất. Đối với nội dung này, ông Việt cho rằng trong giai đoạn trước thì chưa rõ, nhưng từ sau năm 2007 những hộ dân này đã không còn canh tác, nên có người khác vào trồng cây thì bây giờ phải đền bù cho họ là chính xác. “Bây giờ việc xác định đất này có phải của bà con Tân Tô hay không là rất khó vì họ không có giấy tờ nào để chứng minh. Tôi cũng đã bấm bản đồ địa chính giai đoạn 2001 nhưng cũng không thể hiện là của bà con”, ông Việt cho biết thêm.

Nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi cũng đã trao đổi với ông Võ Nguyên Quảng – nguyên Chủ tịch huyện Hương Thủy giai đoạn 1975 – 1978, nguyên Bí thư huyện Hương Phú giai đoạn 1980 – 1986. Ông Quảng xác nhận giai đoạn đó chính xác là có phong trào khai hoang, phục hóa đất sản xuất. “Khi đó cả xã, cả huyện đều đi khai hoang đất để sản xuất hoa màu. Vì vậy, bây giờ mở rộng sân bay thì cũng nên xác định lại, nếu đúng là đất do họ vỡ ra thì cũng nên giải quyết quyền lợi cho họ kẻo tội”, ông Quảng chia sẻ.

CAO TIẾN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hon-60-ho-dan-ky-don-doi-quyen-loi-bi-quen-lang-d78579.html