Thừa nhận sự thật trả tiền Taliban để tấn công Mỹ

Tình báo Mỹ không tìm được bằng chứng chứng thuyết phục thông tin điệp viên Nga trao tiền thưởng ở Afghanistan.

Hôm 15/4, Nhà Trắng phát đi thông điệp cho biết, tình báo Mỹ đã không tìm thấy các bằng chứng mà họ cáo buộc trước đó rằng Nga đã trao tiền thưởng để khuyến khích lực lượng Taliban tấn công quân Mỹ ở Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tin tưởng những cáo buộc về Nga treo thưởng cho Taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tin tưởng những cáo buộc về Nga treo thưởng cho Taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan.

Cụ thể, kết luận được đưa ra bởi cộng đồng tình báo Mỹ sau loạt báo cáo mật không thể khẳng định được các dữ liệu được đưa ra cho thấy các điệp viên Nga đã có dính dáng đến việc lính Mỹ thiệt mạng ở Afghanistan.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng sau khi đánh giá các báo cáo mật, cộng đồng tình báo Mỹ xác định họ chỉ “tin tưởng mức độ thấp hoặc trung bình” về tính chính xác của thông tin này. Bà Psaki nói rằng lý do là vì cách mà phía Mỹ có được thông tin đó, bao gồm việc tra tấn các tù nhân người Afghanistan.

Thông tin này được công bố đầu tiên bởi New York Times dẫn đến việc ông Biden nhiều lần cáo buộc ông Trump đã bỏ mặc binh lính Mỹ vì không phản ứng đủ mạnh sau khi nhận được báo cáo tình báo.

Tháng 6 năm ngoái, AP đưa tin rằng các quan chức Nhà Trắng của chính quyền Trump được báo cáo rằng tình báo Nga đã cung cấp tiền thưởng cho Taliban vào năm 2019 và 2020. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hồi đó là ông Robert O’Brien nói rằng bản thân ông Trump không được nghe thông tin này vì “chưa được kiểm chứng”. Các tư lệnh quân đội Mỹ hồi đó cũng nói rằng họ không thể dựa vào thông tin tình báo thô để thay đổi cách bảo vệ lực lượng của mình ở Afghanistan.

Khi lên nhậm chức vào đầu năm nay, ông Biden đã gửi đi thông điệp cứng rắn từ khi nhậm chức, giao nhiệm vụ cho cộng đồng tình báo đánh giá kỹ lưỡng về các cáo buộc liên quan đến Nga. Bao gồm cáo buộc Nga trả tiền cho Taliban giết lính Mỹ và vụ tấn công mạng quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử SolarWinds.

Tới nay, ông Biden đã công bố trừng phạt Nga vì can thiệp bầu cử Mỹ và vụ tấn công mạng SolarWinds mà Moscow luôn bác bỏ. Tuy nhiên, trước thông tin về những cáo buộc nhằm vào Nga liên quan đến vấn đề ở Afghanistan, chính quyền của ông Biden không đưa ra bất cứ lời bình nào đến Nga.

Cáo buộc của Mỹ về những cuộc chiến ở Trung Đông đã từng bị bóc mẽ bằng "gói bột giặt" trong cuộc chiến ở Iraq. Cố gắng biện minh cho chính sách chống Iraq của mình, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông Colin Powell đã đưa ra một lọ đựng bột trắng để minh họa cho mối nguy hiểm của bệnh than. Mỹ tố Tổng thống Saddam Hussein của Iraq lúc bấy giờ đang tích trữ vũ khí sinh học.

Gói bột giặt và cuộc chiến khuynh đảo Trung Đông trong vũng lầy của Mỹ.

Các cáo buộc về việc Iraq sở hữu bệnh than và các vũ khí hủy diệt hàng loạt sau này đã được chứng minh là không đúng sự thật, nhưng cũng đủ để Washington tiến hành một cuộc xâm lược, lật đổ chính quyền ông Hussein năm 2003.

Rõ ràng "gói bột giặt" chỉ là một cái cớ để phá hủy Iraq, lật đổ chính quyền cứng đầu Saddam Hussein.

Đồng thời, cuộc chiến này nối tiếp tham vọng Trung Đông của Mỹ khi tiến hành cuộc chiến ở Afghanistan vào năm 2001, nhằm trả thù cho vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ.

Washington đã tuyên bố toàn thế giới là khu vực lợi ích quốc gia của Mỹ và nước này có quyền can thiệp vào bất cứ quốc gia nào mà họ quy kết là khủng bố hoặc “tiếp tay cho khủng bố” hay chỉ đơn giản là “dường như có khủng bố”.

Lí do đầu tiên để chính quyền Mỹ đã phát động cuộc xâm lược Iraq là khẩu hiệu “đấu tranh chống al-Qaeda” và Osama bin Laden, kẻ được chính quyền Taliban ở Afghanistan hỗ trợ và cung cấp nơi trú ẩn. Người Mỹ đã cho rằng, Saddam Hussein hỗ trợ mạng lưới khủng bố này và cho chúng lập “đại bản doanh” ở Iraq.

Sau khi đất nước Iraq tan nát và Tổng thống Saddam Hussein bị treo cổ, hóa ra rằng, ở Iraq không hề có sự hiện diện của al-Qaeda. Hơn nữa, sau khi Mỹ xâm lược Iraq, số vụ tấn công khủng bố đã tăng gấp mấy lần và còn lan rộng ra, trở thành nỗi khiếp đảm cho cả khu vực.

Mỹ tiếp tục đắm chìm trong tham vọng của mình ở Trung Đông trong cuộc chiến tại Afghanistan, khiến 2.403 binh sĩ Mỹ bị thiệt mạng, cùng với cái chết của hàng nghìn tay súng Taliban và Al Qaeda và dân thường Afghanistan.

Tổng thống Joe Biden hôm 14/4 công bố quyết định rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Afghanistan từ ngày 1/5 và hoàn thành trước ngày 11/9 tới, đúng dịp kỷ niệm 20 năm loạt vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ năm 2001.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/4 trong chuyến thăm bất ngờ tới Kabul, Afghanistan đã nói: “Chúng tôi không hề có ý định duy trì hiện diện quân sự lâu dài tại đây, mối đe dọa từ al Qaeda tại Afghanistan đã giảm sút đáng kể."

Ông Blinken cũng cảnh báo, lực lượng Taliban sẽ gia tăng các vụ tấn công vào lực lượng Mỹ khi họ đang chuẩn bị rút khỏi Afghanistan. Các hành động này sẽ bị đáp trả tương xứng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan, nhưng quan trọng là chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để thúc đẩy ngoại giao nhằm tập hợp các đối tác trong khu vực và quốc tế”, ông Blinken khẳng định.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thua-nhan-su-that-tra-tien-taliban-de-tan-cong-my-3430758/