Thừa nhận không thể ngăn chặn vũ khí siêu thanh của Nga, Mỹ chạy đua chế tạo tên lửa mới

Mỹ đang chạy đua chế tạo các tên lửa mới đủ nhanh để đối phó với các vũ khí siêu thanh của Nga, mối đe dọa mà Lầu Năm Góc thừa nhận là không thể ngăn chặn.

Hôm 20/3, trong một hội nghị về vũ khí năng lượng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Nghiên cứu kỹ thuật Michael Griffin thừa nhận "nếu chiến tranh nổ ra vào ngày mai, Mỹ sẽ không thể vô hiệu hóa được các vũ khí siêu thanh của Nga từng được Tổng thống Putin giới thiệu năm 2018".

Ông Griffin nhấn mạnh rằng phương án tương lai để đối phó với các vũ khí như vậy của Nga là sử dụng laser với tốc độ ánh sáng. Nhưng trước khi công nghệ này được triển khai, Mỹ sẽ phải tìm ra một giải pháp tạm thời để vô hiệu hóa mối đe dọa này.

 Mỹ đang chạy đua tìm cách đối phó với vũ khí siêu thanh của Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Mỹ đang chạy đua tìm cách đối phó với vũ khí siêu thanh của Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Để làm được điều đó, Lầu Năm Góc đã bắt đầu nghiên cứu phát triển các vũ khí siêu âm trên biển, trên đất liền và trong không gian.

Trong khi Hải quân và Không quân đang theo đuổi các dự án này, Quân đội Mỹ cũng được cho là đang tìm kiếm khoản ngân sách hơn 1 tỷ USD để chế tạo các vũ khí siêu âm tầm xa phóng từ đất liền trong vài năm tới.

Hồi tháng 3/2018, Tổng thống Putin hé lộ một loạt vũ khí tối tân mà Nga sắp đưa vào biên chế trong đó có tàu lượn Avangard, tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal, tên lửa RS-28 Sarmat, tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân Burevestnik, ngư lôi hạt nhân Poseidon và tổ hợp vũ khí laser Peresvet. Theo ông Putin, đây là những loại vũ khí hiện chưa có đối thủ xứng tầm trên thế giới.

Tới tháng 10, nhà lãnh đạo Nga tiếp tục khẳng định Matxcơva đã vượt qua đối thủ trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh. Ông cho rằng đây là “sự thật hiển nhiên”, nhấn mạnh Nga là nước đầu tiên trên thế giới phát triển được công nghệ mang tính đột phá này.

Vũ khí siêu thanh là loại vũ khí có thể di chuyển trong bầu khí quyển ở tốc độ trên Mach 5, nhanh gấp 5 lần âm thanh. Tốc độ này khiến chúng khó bị chặn lại so với các đầu đạn thông thường với quỹ đạo có thể dự đoán được.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thua-nhan-khong-the-ngan-chan-vu-khi-sieu-thanh-cua-nga-my-chay-dua-che-tao-ten-lua-moi-d464915.html