Thừa nhận bất ngờ về lý do gặp trục trặc của tên lửa Nga tại Syria

Tên lửa Nga gặp nhiều trục trặc khi hoạt động tại Syria. Và lý do nằm trong việc Syria có nhiều khu vực là địa hình sa mạc và Nga thiếu kinh nghiệm chế tạo các loại vũ khí để tác chiến trong môi trường này, ông Boris Obsonov thừa nhận.

Theo National Interest, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Kommersant, Giám đốc Cơ quan Tên lửa Chiến thuật Nga (KTRV) Boris Obsonov bất ngờ thừa nhận tên lửa Nga gặp nhiều trục trặc khi hoạt động tại Syria. Và lý do nằm trong việc Syria có nhiều khu vực là địa hình sa mạc và Nga thiếu kinh nghiệm chế tạo các loại vũ khí để tác chiến trong những môi trường như thế.

“Tôi sẽ không giấu giếm sự thật này. Có nhiều thiếu sót được phát hiện trong các điều kiện thực chiến. Đối với chúng tôi, Syria đang trở thành một bài thử nghiệm quan trọng”, ông Boris Obsonov nêu rõ.

Ông Boris Obsonov nói rằng ông đã cố gắng thuyết phục quân đội Nga sử dụng các loại bom thông minh thay cho bom không có thiết bị dẫn đường ở Syria. Ông Obsonov cho biết quân đội Nga đánh giá bom không dẫn đường hoạt động khá hiệu quả nhờ một phương thức xác định mục tiêu mới.

Tên lửa Nga gặp nhiều trục trặc khi hoạt động tại Syria. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, quan chức này không tán thành kết luận đó. Theo ông Obsonov, trong điều kiện bình thường mọi thứ hoạt động tốt, song một cơn gió mạnh trên sa mạc có thể khiến các quả bom không dẫn đường bay lệch mục tiêu vài trăm mét.

Ông Obsonov đổ lỗi của tình trạng này cho việc Nga thiếu những thao trường có điều kiện khí hậu tương tự Syria về nhiệt độ, sương mù, gió và bão cát.

Các cuộc chiến tại Trung Đông nói chung và Syria nói riêng đang là môi trường lý tưởng để cả Mỹ và Nga thử nghiệm các hệ thống vũ khí trong điều kiện thực chiến, trong đó có máy bay chiến đấu, trực thăng, robot tăng và tên lửa.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Andrei Boginsky, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Trực thăng Nga, thừa nhận: “Có những thiết kế máy bay khác nhau, các hệ thống vũ khí mang theo và các hệ thống phòng thủ trên khoang”.

Tuy nhiên, nhiều nước Trung Đông vẫn đang quan tâm tới vũ khí Nga được triển khai thực chiến ở Syria.

"Ngày càng có nhiều yêu cầu mua khí tài được sản xuất tại Nga, do chúng đã chứng tỏ được giá trị trong các điều kiện thời tiết và chiến đấu khắc nghiệt", TASS dẫn lời giám đốc điều hành tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga (Rosoboronexport) Alexander Mikheyev cho biết hôm 13/11.

Rosoboronexport đã nhận được các đơn hàng có tổng giá trị hơn 50 tỷ USD, trong đó một phần đáng kể tới từ các nước Arab. Nhiều sản phẩm quân sự như vậy sẽ được tập đoàn này đưa tới triển Triển lãm hàng không quốc tế Bahrain (BIAS) 2018.

Quan chức Rosoboronexport tiết lộ phái đoàn quân sự từ các nước Trung Đông đang thể hiện sự quan tâm với tiêm kích Su-35S, MiG-29M2 và máy bay phản lực huấn luyện Yak-130. Các hệ thống phòng không Nga dự kiến cũng thu hút nhiều sự chú ý từ những nước Arab.

Trong những năm qua, Nga đã chuyển sang Syria nhiều loại vũ khí để thực nghiệm trên chiến trường như máy bay, lựu đạn, hệ thống phòng thủ tên lửa, tên lửa… Mới đây, sau khi máy bay IL-20 của nước này bị phòng không Syria bắn nhầm trong cuộc không kích của Israel, Nga đã chuyển hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 tới quốc gia Trung Đông này.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thua-nhan-bat-ngo-ve-ly-do-gap-truc-trac-cua-ten-lua-nga-tai-syria-a413141.html