Thừa nhận bất ngờ từ Tổng thư ký NATO, Nga đang hứng chịu 'đòn oan'?

NATO không thấy Nga có bất kỳ hành động gây hấn nào với các nước thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nhưng NATO vẫn cần phải chuẩn bị mình trong tư thể sẵn sàng để có thể đối phó với thách thức gây ra từ các năng lực quân sự ngày càng mạnh của Nga. Đây là phát biểu vừa được Tổng thư ký NATO General Jens Stoltenberg đưa ra tại một cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh của NATO dự kiến diễn ra ở London vào ngày 3 và 4/12 tới.

Tổng thư ký NATO General Jens Stoltenberg

Tổng thư ký NATO General Jens Stoltenberg

"Chúng tôi không thấy có bất kỳ mối đe dọa quân sự nào trước mắt từ phía Nga nhằm vào bất kỳ nước NATO nào. Nhưng điều chúng tôi thấy là một sự thách thức mang tính chiến lược và chúng tôi thấy một nước Nga đang đầu tư ngày càng nhiều, ngày càng mạnh vào các năng lực hiện đại mới, trong đó có lực lượng hạt nhân”, ông Stoltenberg đã phát biểu như vậy.

Tổng thư ký Stoltenberg cũng nhắc lại cáo buộc của NATO về việc Moscow “vi phạm thỏa thuận kiểm soát vũ khí có tính nền tảng ở Châu Âu – Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung - INF, triển khai các tên lửa có khả năng vươn tới nhiều thành phố Châu Âu chỉ trong vòng vài phút và các tên lửa có năng lực hạt nhân." Những cáo buộc đó là cơ sở để Brussels và Washington đổ lỗi cho việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước INF với Nga.

Theo người đứng đầu liên minh quân sự mạnh nhất thế giới, Nga “chịu trách nhiệm về những hành động gây hấn với các nước láng giềng như Gruzia, Ukraine cũng như triển khai lực lượng đến Moldova mà không được sự đồng ý của chính phủ ở nước đó (ông Stoltenberg đang nói đến Transnistria - nơi cuộc khủng hoảng quân sự đã bị chặn lại và đóng bang sau khi Nga hành động - Itar Tass]."

"Vì thế, tuy chúng tôi không thấy Nga có bất kỳ hành động gây hấn nào với một nước NATO nhưng thực tế mà chúng tôi nhắc ở trên giải thích chính xác cho lý do tại sao việc NATO tiếp tục duy trì sự răn ddevaf phòng thủ đáng tin cậy là quan trọng, đặc biệt là trong một thế giới ngày càng khó đoán như hiện nay. Đó cũng là lý do giải thích tại sao chúng tôi phải hiện đại hóa, đầu tư nhiều hơn và tăng cường năng lực sẵn sàng cho các lực lượng của chúng tôi trong những năm qua”, Tổng thư ký NATO kết luận.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức một cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Stoltenberg ở thủ đô Paris. Tại đây, ông Macron đã kêu gọi NATO nghĩ về việc cải thiện mối quan hệ với Nga và chú trọng hơn đến cuộc chiến chống các mối đe dọa mà các nước Châu Âu đang đối mặt như chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

Gần đây, quan hệ Nga và NATO tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen hồi tháng 11 năm ngoái. Ngoài vụ việc liên quan đến Ukraine, Nga và NATO còn đang mâu thuẫn về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và về Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung - INF. Nga cảnh báo rằng, một chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong không gian và sẽ không khác gì việc khởi động lại chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” thời Chiến tranh Lạnh.

NATO cũng đang quan ngại về diễn biến xoay quanh Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung. NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước vì lý do Moscow tiếp tục phát triển tên lửa hạt nhân, đi ngược lại với những quy định được đưa ra trong hiệp ước.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO diễn ra khi mà mâu thuẫn giữa hai bên đang chồng chất. Khả năng hóa giải những mâu thuẫn này là vô cùng thấp và giới phân tích tin rằng, quan hệ giữa Nga và NATO vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian trước mắt.

Kiệt Linh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201912/thua-nhan-bat-ngo-tu-tong-thu-ky-nato-nga-dang-hung-chiu-don-oan-b9c12dc/