Thua lỗ chất chồng, Vinachem 'kêu cứu' cho 4 dự án 'sa lầy'

4 dự án sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong 12 đại dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương tiếp tục ghi nhận những kết quả sản xuất, kinh doanh kém khả quan. Vinachem đã đưa ra nhiều đề xuất liên quan tới cơ cấu lại thời gian trả nợ, điều chỉnh lãi suất tiền vay để tháo gỡ cho các dự án này.

Nhà máy đạm Ninh Bình là 1 trong số những dự án thua lỗ điển hình đã được cơ cấu lại khoản nợ. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nhà máy đạm Ninh Bình là 1 trong số những dự án thua lỗ điển hình đã được cơ cấu lại khoản nợ. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nửa năm lỗ hơn 600 tỷ đồng

Mới đây, Vinachem đã có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Theo đó, doanh thu toàn Tập đoàn trong nửa đầu năm ước đạt 23.377 tỷ đồng, bằng 46,9% kế hoạch năm, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước lãi vỏn vẹn 40 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là 4 dự án “sa lầy” điển hình của Vinachem ước lỗ tới 636 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (DAP-Vinachem đạt lợi nhuận 23 tỷ đồng, giảm lãi 84%; DAP số 2-Vinachem lỗ 114 tỷ đồng, tăng lỗ 14%; Đạm Hà Bắc lỗ 260 tỷ đồng, tăng lỗ 53%; Đạm Ninh Bình lỗ 286 tỷ đồng, giảm lỗ 44%). Các đơn vị còn lại lãi 674 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2018.

Lý giải cho kết quả sản xuất, kinh doanh “bết bát” thu về trong nửa đầu năm nay, theo Vinachem, thời gian qua, xung đột thương mại Mỹ- Trung leo thang, Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ xuống mức kỷ lục. Điều này thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, cạnh tranh mạnh với các sản phẩm của các đơn vị thuộc Tập đoàn tại cả thị trường trong nước và quốc tế như sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, các sản phẩm phân bón như DAP, NPK...

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm phân bón, cao su, pin-ắc quy, chất tẩy rửa trong nước tiếp tục cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan và một số nước ASEAN.

Cụ thể, giá xút nhập khẩu từ Trung Quốc giảm dẫn đến giá xút sản xuất trong nước giảm từ 7-18% so với 6 tháng đầu năm 2018; chất tẩy rửa sản xuất do các đơn vị thuộc Tập đoàn phải cạnh tranh với chất tẩy rửa xuất xứ Thái Lan với thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% được bày bán trong các hệ thống siêu thi Big C, MM Mega Market Việt Nam (trước đây là Metro Việt Nam), Family mart... (là các hệ thống siêu thị có sở hữu của doanh nghiệp Thái Lan).

Ngoài ra, tình trạng gian lận thương mại đối với hàng nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp, làm giảm sản lượng tiêu thụ phân bón, pin ắc quy, sản phẩm cao su... của Vinachem.

Riêng 4 đơn vị sản xuất phân bón tiếp tục gặp khó khăn về chi phí lãi vay đầu tư, đặc biệt là chi phí tăng mạnh do phải hạch toán lãi phạt trên lãi chậm trả. Ngoài ra, các đơn vị này cũng gặp khó khăn trong việc vay vốn lưu động, lãi suất vay vốn lưu động tiếp tục phải chịu cao hơn mặt bằng thị trường từ 1-2,5%.

Đề xuất lãi suất vay thấp nhất

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án sản xuất phân bón thua lỗ chất chồng, Vinachem đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp đối với khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các Dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai.

Cụ thể là kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.

Ngoài ra, điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm từ 2019 đến 2023 ở mức 3%/năm. Từ năm 2024 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước (tại thời điểm hiện nay là 8,55%/năm) và nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.

Với khoản vay các ngân hàng thương mại, Vinachem đề nghị các ngân hàng VietinBank, BIDV, Vietcombank cho phép các Dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục xem xét, giải quyết cho các đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi nhất, lãi suất thấp nhất.

Bên cạnh đó, kéo dài thời hạn vay các Hợp đồng tín dụng đầu tư thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vay của các Ngân hàng tài trợ vốn vay; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.

Vinachem cũng mong muốn các ngân hàng tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh...

Ngoài ra, Vinachem đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục báo cáo Chính phủ đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thua-lo-chat-chong-vinachem-keu-cuu-cho-4-du-an-sa-lay-110514.html