Thua kiện nhưng huyện không bồi thường đất

Mặc dù thắng kiện nhưng ba năm qua người dân vẫn chưa được bồi thường đất, UBND huyện thì nại ra lý do để né thi hành án.

Ông Nguyễn Công Cầm là người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Văn Thống (67 tuổi, ngụ khu phố 6, thị trấn Thới An, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) trình bày: Dù thắng kiện nhưng suốt ba năm qua không được thi hành án (THA). Đơn vị phải THA là UBND huyện Phú Quốc nại ra lý do để né tránh việc ra quyết định (QĐ) bồi thường về đất cho gia đình ông.

Ông Nguyễn Công Cầm (đại diện theo ủy quyền của ông Thống) trình bày. Ảnh: MV

Ông Nguyễn Công Cầm (đại diện theo ủy quyền của ông Thống) trình bày. Ảnh: MV

Tòa tuyên ủy ban thua kiện

Theo hồ sơ, ngày 26-9-2017, TAND tỉnh Kiên Giang xử sơ thẩm vụ ông Thống kiện chủ tịch UBND và UBND huyện Phú Quốc về việc thu hồi đất mà không có QĐ bồi thường.

Theo đó, năm 2012, ông Thống nhận chuyển nhượng 9.892 m2 đất tại khu phố 6, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc của vợ chồng ông Cầm. Trước đó, diện tích đất này đã được vợ chồng ông Cầm canh tác ổn định, không có tranh chấp. Thời điểm chuyển nhượng, trên đất đang có thu hoạch cây ăn trái.

Năm 2014, Nhà nước quy hoạch khu vực này để thực hiện dự án phức hợp du lịch sinh thái Bãi Khem. Tháng 6-2014, UBND huyện Phú Quốc ban hành QĐ 3367, thu hồi toàn bộ diện tích đất của ông Thống nhưng không bồi thường giá trị đất và cây trồng trên đất. Ông Thống khiếu nại và tháng 8-2015, UBND huyện và chủ tịch UBND huyện có QĐ 3960 bác khiếu nại. Không đồng ý, ông Thống khởi kiện yêu cầu tòa hủy QĐ 3960, đòi phía người bị kiện phải ban hành QĐ bồi thường sau khi thu hồi đất.

Tại phiên tòa sơ thẩm, hai người bị kiện có đơn xin xét xử vắng mặt. Đại diện VKSND tỉnh đề nghị HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của ông Thống.

TAND tỉnh Kiên Giang nhận định nguồn gốc đất của ông Thống nằm trong tổng diện tích gần 30.000 m2 của vợ chồng ông Cầm chuyển nhượng (có xác nhận của chính quyền địa phương). UBND huyện không có tài liệu nào chứng minh hành vi vi phạm pháp luật đất đai của vợ chồng ông Cầm. Chủ tịch UBND huyện cũng không có tài liệu nào phủ nhận việc chuyển nhượng đất này.

Theo khoản 1 Điều 42 Luật Đất đai 2003 thì ông Thống không thuộc các trường hợp bị loại trừ bồi thường khi bị thu hồi đất làm dự án. Từ đó, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Thống, tuyên hủy QĐ 3960 và buộc UBND huyện phải ra QĐ bồi thường, hỗ trợ cho ông Thống diện tích 9.892 m2 đất, cây trồng và vật kiến trúc trên đất.

Nại lý do để né thi hành án

Tháng 4-2018, TAND tỉnh Kiên Giang ra QĐ buộc UBND huyện Phú Quốc THA và phải thông báo kết quả cho TAND tỉnh biết. Theo QĐ này, chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của UBND huyện, cơ quan THA dân sự tỉnh có trách nhiệm theo dõi việc THA.

Tuy nhiên, sau đó UBND huyện vẫn không thi hành, ông Cầm là đại diện theo ủy quyền cho ông Thống đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị. Ngày 3-5-2018, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có công văn truyền đạt ý kiến của chủ tịch tỉnh, yêu cầu UBND huyện Phú Quốc khẩn trương, nghiêm chỉnh THA và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31-5-2018.

Ngày 29-8-2019, Văn phòng UBND tỉnh lại có công văn chỉ đạo yêu cầu UBND huyện phải nghiêm chỉnh THA và báo cáo lại trước ngày 27-9-2019. Tuy nhiên, sau đó mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ nên ông Cầm tiếp tục khiếu nại. Ngày 25-11-2019, lần thứ ba UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện phải THA và báo cáo kết quả trước ngày 30-11-2019.

Tháng 2-2020, tại biên bản tiếp ông Cầm, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc kết luận: Giao Phòng TN&MT tham mưu cho UBND huyện văn bản trình UBND tỉnh xin chủ trương THA và có văn bản gửi TAND tỉnh để được hướng dẫn thi hành.

Tiếp đó, tháng 6-2020, UBND huyện có tờ trình gửi chủ tịch UBND tỉnh nêu khó khăn của quá trình THA. Theo UBND huyện, tòa án tỉnh nhận định nguồn gốc 9.892 m2 đất của ông Thống nằm trong 30.000 m2 do vợ chồng ông Cầm bán, có giấy chuyển nhượng viết tay và có xác nhận của chính quyền địa phương vào năm 1993.

Tuy nhiên, ngày 26-9-2019, UBND thị trấn An Thới xét duyệt nguồn gốc đất thì diện tích đất của ông Thống trước năm 2006 là đất Nhà nước quản lý. Cụ thể, năm 2006, vợ ông Cầm canh tác đến năm 2012 thì chuyển nhượng lại cho ông Thống cho đến khi bị Nhà nước quy hoạch. Với việc xét duyệt nguồn gốc đất của địa phương như trên thì diện tích bị thu hồi của ông Thống không đủ điều kiện bồi thường như bản án đã tuyên. Từ đó, UBND huyện xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn để thi hành bản án.

Không thi hành án sẽ bị xử lý nặng

Việc suốt ba năm qua UBND huyện Phú Quốc không thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa là hoàn toàn trái quy định. UBND huyện nại ra khó khăn là có mâu thuẫn trong xác định nguồn gốc đất lại càng không hợp lý, bởi đó là công việc của tòa án trong quá trình xét xử, trách nhiệm của ủy ban là thi hành bản án. Thậm chí tại phiên xử, phía UBND huyện không có mặt, sau khi tòa xử xong thì lại cho rằng tòa phán quyết chưa chính xác, điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng với cơ quan xét xử.

Luật Tố tụng hành chính 2015 và Nghị định 71/2016 của Chính phủ quy định rõ về việc xử lý trách nhiệm đối với người không THA hành chính. Cụ thể, người có trách nhiệm mà không THA sẽ bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc); xử phạt hành chính; truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Nghị định 71/2016 cũng quy định người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA, cơ quan THA dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về THA hành chính tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong THA hành chính.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

MINH VƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/thua-kien-nhung-huyen-khong-boi-thuong-dat-966142.html