Thưa các tiến sĩ, người dân không cần lý thuyết suông!

Khác với làn sóng phản ứng dữ dội đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền xem xét đưa truyện ngắn 'Chí Phèo' ra khỏi sách giáo khoa, một vị tiến sĩ văn học vừa lên tiếng đồng tình, bảo vệ và cho rằng, phương án đưa tác phẩm nói trên giảng dạy ở bậc đại học 'là một lựa chọn chuẩn xác'.

Sau khi bị dư luận, đặc biệt là các chuyên gia, nhà nghiên cứu chỉ trích gay gắt về đề xuất đưa "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khoa, ông Nguyễn Sóng Hiền giải thích, ông không phủ nhận giá trị nghệ thuật của “Chí Phèo”. Ông cho biết, “xét ở góc độ giáo dục thì tác phẩm “Chí Phèo” rất nhiều khả năng tác động tiêu cực tới tâm lý của các em học sinh lớp 11, giai đoạn mà sự phát triển về tâm sinh lý khá phức tạp”.

Cái nguy cơ mà ông Sóng Hiền đề cập là “rất nhiều khả năng”, dựa trên suy đoán của cá nhân ông, chứ không dựa trên nghiên cứu, khảo sát, cơ sở thực tiễn nào cả.

Điều đó càng rõ hơn khi ông tiết lộ trên báo chí: “Tôi rất tiếc vì không ở Việt Nam, nếu không, trước khi đưa ra đề xuất, tôi sẽ làm một cuộc thăm dò ý kiến đối với học sinh lớp 11, 12, đã và đang học tác phẩm Chí Phèo để xem tác động của tác phẩm này đối với các em như thế nào?”.

Ông Sóng Hiền phàn nàn các ý kiến phản biện đã bỏ quên đối tượng học sinh, mà theo ông, các em “số còn lại rất đông là “ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuy nhiên, ông cũng không chỉ ra được số đông đó là bao nhiêu em, bao nhiêu phần trăm?

Như vậy, mặc dù là một nghiên cứu sinh, nhưng khi đưa ra một đề xuất táo bạo, có tác động rất lớn đối với xã hội, ông Nguyễn Sóng Hiền không có các nghiên cứu, khảo sát, số liệu, cơ sở thực tiễn để làm căn cứ. Ông không chứng minh được sự cần thiết, đúng đắn trong đề xuất của mình.

Vị tiến sĩ (công tác tại một trường ĐH ở Hà Nội) lên tiếng bảo vệ ông Nguyễn Sóng Hiền, cũng không dựa trên một nghiên cứu, khảo sát, thực tế nào cả. Tất cả đều dựa vào kinh nghiệm, suy đoán. Đặc biệt, khi nói về tâm lý tiếp nhận của học sinh, vị tiến sĩ này đã “tưởng tượng” mình là học sinh để phát biểu, hình dung ra các nguy cơ.

Sau khi dẫn giải khá dài về mặt lý thuyết và suy đoán, vị tiến sĩ này cho rằng, “dạy Chí Phèo ở đại học là một lựa chọn chuẩn xác”, để người học không còn bị “ám ảnh”. Tuy nhiên, vị này cũng không chứng minh được, các em đã bị ám ảnh ra sao.

Theo sự phân công lao động xã hội, nhiệm vụ của các nghiên cứu sinh, tiến sĩ, nhà khoa học… là nghiên cứu. Người dân chờ đợi các công trình, đề án, đề xuất của các tiến sĩ, nhà khoa học… xuất phát từ hoạt động nghiên cứu nghiêm túc, có số liệu cụ thể, có căn cứ vững chắc.

Người dân không cần những đề xuất, ý tưởng thiếu căn cứ, dựa trên lý thuyết suông.

HẢI ĐĂNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/thua-cac-tien-si-nguoi-dan-khong-can-ly-thuyet-suong-581240.ldo