Thú vui của các tổng thống Mỹ sau khi rời Nhà Trắng

Theodore Roosevelt từng miêu tả vị tổng thống thứ 23 của Hoa Kỳ, Benjamin Harrison, là 'một chính trị gia máu lạnh, định kiến, bướng bỉnh, nhút nhát'. Tuy nhiên quý ông râu ria Harrison chắc chắn phải có gì đó rất đáng yêu trong hoàn cảnh năm 1896, tức chỉ sau 3 năm từ bỏ 'ngai vàng' Nhà Trắng, ông đã cưới bà Mary Dimmick khi bà trẻ hơn ông đến 25 tuổi.

Đi săn

Hệ động vật ở Phi châu là nguồn cơn thôi thúc mạnh mẽ cho Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, Theodore Roosevelt, khi ông rời Nhà Trắng vào năm 1909. Năm đó, Roosevelt đã bắt tay vào chuyến đi săn kéo dài nguyên 1 năm cùng người con trai Kermit, một số nhà khoa học của Viện Smithsonian và hơn 200 người khuân vác hành lý.

Teddy Roosevelt là cái tên được đặt cho một món đồ chơi nhồi bông nổi tiếng sau khi Roosevelt từ chối giết hại một con gấu vào năm 1902, nhưng chỉ 7 năm sau đó, vị tổng thống quên tiệt đi nỗi sợ hãi và lấy săn bắn làm niềm vui tuổi già. Đi lại bằng thuyền, tàu hỏa và nhà lưu động quanh vùng Đông Bắc của lục địa Phi châu, ông và đám tùy tùng đã chinh phục voi, tê giác, hà mã, rắn, ngựa vằn, khỉ và nhiều loài động vật khác, sau đó họ mang những xác thú về lại Mỹ dùng cho mục đích nghiên cứu khoa học.

Cuối năm 1913, trong tâm thế sẵn sàng, Roosevelt đã dấn thân vào một hành trình thám hiểm khác, lần này kéo dài 7 tháng ở Nam Mỹ. Một năm trước đó, Roosevelt trở thành mục tiêu ám sát khi ông bị một tay pha chế người Đức bắn vào ngực lúc ông dự định sẽ có buổi nói chuyện ở Milwaukee (tiểu bang Wisconsin).

Dũng cảm phi thường, vị tổng thống đã nén đau để được hộ tống tới bệnh viện và các bác sĩ đã kịp thời cứu sống ông.

Đồng áng

Vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington, có vẻ là người yêu thích cây cối, toàn tâm chăm sóc khu điền trang Mount Vernon (tiểu bang Virginia) sau khi ông từ nhiệm. Có được chiến thắng đảm bảo trong cuộc chiến tranh giành độc lập vào năm 1783, Washington hy vọng sống phần đời còn lại của một nhà nông đáng kính. Làm tổng thống là một nhiệm vụ xem ra có phần miễn cưỡng đối với Washington. Vì rằng, ngay cả lúc ông tại nhiệm thì nông nghiệp hiếm khi xa rời tâm trí ông và trong một lá thư gửi cho Thomas Jefferson vào năm 1795, Washington thảo luận rằng làm thế nào để “lúa mì cũng có thể được dùng thuận lợi như phân bón”.

Sau khi rời nhiệm sở vào năm 1797, George Washington liền tức tốc quay về điền trang Mount Vernon, nơi phần nào đã bị bỏ hoang trong thời gian ông vắng mặt. Washington qua đời chỉ 2 năm sau đó khi ông phát bệnh trong lúc đang cưỡi ngựa quanh điền trang dưới một cơn bão tuyết.

Chống bất công

John Quincy Adams là cựu Tổng thống Hoa Kỳ duy nhất vào Hạ viện, nơi ông được bầu vào năm 1830 tức chỉ 1 năm sau khi Quincy Adams rời Nhà Trắng. Vị tổng thống thứ 6 của Hoa Kỳ đã dành suốt 17 năm cần cù làm việc ở Hạ viện và ông được đặt biệt danh “Cụ hùng biện”.

Sở dĩ có cái biệt danh này là do Quincy Adams được nhớ đến bởi công cuộc chống nô lệ không mệt mỏi của ông. Quincy Adams đã thực hiện quy tắc khét tiếng nhất của năm 1836 đó là bất kỳ kiến nghị nào chống lại sự nô dịch hóa đều được đem ra xử lý không cần thảo luận. Quincy Adams ngày càng quan tâm nhiều đến các kiến nghị, khiến ông trở thành người thủ tiêu chế độ nô lệ cho đến khi Hạ viện nhất trí bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1844.

Quincy Adams cũng đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 1841 để bảo vệ quyền lợi cho những nô lệ gốc Phi - những người này tuyên chiến chống lại chủ nhân của họ. Nhờ sự tận tâm can thiệp của vị cựu tổng thống mà cuối cùng các bị cáo đã giành được quyền tự do.

Tiếng sét ái tình

Theodore Roosevelt từng miêu tả vị tổng thống thứ 23 của Hoa Kỳ, Benjamin Harrison, là “một chính trị gia máu lạnh, định kiến, bướng bỉnh, nhút nhát”. Tuy nhiên quý ông râu ria Harrison chắc chắn phải có gì đó rất đáng yêu trong hoàn cảnh năm 1896, tức chỉ sau 3 năm từ bỏ “ngai vàng” Nhà Trắng, ông đã cưới bà Mary Dimmick khi bà trẻ hơn ông đến 25 tuổi.

Nên biết rằng, người vợ đầu của Harrison, bà Caroline, đã tạ thế vì căn bệnh lao chỉ 2 tuần trước khi ông Harrison thất bại trong đợi tranh cử lần 2 vào Nhà Trắng năm 1892 và không lâu sau đó ông đã có mối tình khá lãng mạn với bà Mary (bà Mary là cháu gái cũng là trợ lý của bà Caroline).

2 người con của vị cựu tổng thống 62 tuổi tỏ ra thất kinh với cuộc hôn nhân, do đó họ từ chối xuất hiện tại đám cưới ở New York. Khi qua đời vào năm 1901, Harrison đã viết di chúc trao căn nhà trị giá 400.000 USD cho phu nhân Mary và con gái chung Elizabeth (sinh năm 1897), chỉ để lại số ít của cải cho 2 người con của người vợ đầu Caroline.

Phu nhân Mary sống thọ hơn chồng mình đến nửa thế kỷ và bà qua đời vào năm 1948.

Sáng lập đại học

Theo đuổi khoa học là mục tiêu cả đời của tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, nhưng “sự nghiệt ngã của thời đại” đã bắt ông phải bước chân vào đấu trường chính trị. Sau khi rời nhiệm sở vào năm 1809, Jefferson thở phào nhẹ nhõm vì có thể dành toàn tâm toàn ý cả đời để hoàn thiện sự nghiệp giáo dục.

Thành tựu tốt nhất của Jefferson là ông đã sáng lập ra Đại học Virginia vào năm 1819. Jefferson thiết kế cả chương trình giảng dạy và hạ tầng các tòa nhà của trường đại học, nó bao gồm một nhà lầu hình tròn lấy mô hình của đền Pantheon ở Rome.

Đã được thừa nhận trong quan điểm khai sáng của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, Đại học Virginia là đại học duy nhất tại Mỹ ra đời vào thời điểm không hề dính dáng với các liên kết tôn giáo.

Chữa bệnh cho thế giới

“Tôi khẳng định rằng tôi là cựu tổng thống tốt hơn thời làm tổng thống”, là câu nói bất hủ của vị tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ, Jimmy Carter, vào năm 2005, chỉ ¼ thế kỷ sau khi ông bị đối thủ Ronald Reagan đánh bại thảm hại.

Thất vọng với quãng thời gian tại nhiệm lãng phí ở Nhà Trắng, Jimmy Carter đã quăng mình vào thế giới ngoại giao và các công việc từ thiện nhân đạo thông qua Trung tâm Carter do ông sáng lập vào năm 1982. Kể từ đó, Jimmy Carter đã đương đầu với các xung đột ở khắp mọi nơi trên thế giới, ông thậm chí đã đoạt giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực không mệt mỏi của mình.

Có lẽ thành tựu vĩ đại nhất của Jimmy Carter là gần như diệt tận gốc bệnh giun Ghi-nê, căn bệnh từng ảnh hưởng tới hàng triệu người Phi. Công việc thời hậu tổng thống của Jimmy Carter không phải là đã hết tranh cãi, tuy nhiên ông cũng hoàn toàn đáng khen vì những hành động thiết thực hơn trong thời gian ở Nhà Trắng.

Viết sách

Thời kỳ tại nhiệm Nhà Trắng của ông James Buchanan có thể được xem là một thảm họa. Vị tổng thống thứ 15 của nước Mỹ đã không hòa giải được mối bất đồng giữa 2 miền Nam - Bắc Mỹ trong suốt 4 tháng giữa kỳ bầu cử của Abraham Lincoln và sự ra đi của Buchanan vào tháng 3 năm 1861, vài bang miền Nam nước Mỹ đã nới lỏng dọn đường cho thời kỳ Nội chiến.

Nhận xét về người kế nhiệm Abraham Lincoln, Tổng thống Buchanan nói: “Quý ông thân mến, nếu ông cảm thấy vui khi bước chân vào Nhà Trắng khi tôi rời đi, thì ông thực sự là người rất hạnh phúc”.

Mặc dù vậy, Buchanan tỏ ra ghét cay ghét đắng bất kỳ ai réo tên ông như là người phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng. Năm 1866, Buchanan đã xuất bản cuốn hồi ký tổng thống đầu tiên nói về vấn đề quốc phòng trong mắt vị tổng thống.

Viết sách là một sự sáng tạo nhằm phần nào vớt vát lại chút danh tiếng bị hao mòn của Buchanan khi trong cuộc thăm dò vào năm 1962, giới sử học đã chỉ đích danh James Buchanan là vị tổng thống thứ 3 tồi tệ nhất.

Tổng thống luật sư

5 năm trước khi đắc cử trở thành vị tổng thống thứ 27 của Hoa Kỳ (năm 1908), William Taft đã đưa ra quan điểm rõ ràng về thời kỳ tại nhiệm ở Nhà Trắng của mình: “Không ngồi suốt đêm để nghĩ về cách làm tổng thống, tôi không từng có tham vọng đi theo hướng này. Bất kỳ bên nào đề cử tôi sẽ phạm một sai lầm lớn”.

Dự đoán của Tổng thống Taft đã ứng nghiệm. 4 năm kém vui trong Nhà Trắng đã thúc đẩy một sự chia rẽ trong đảng Cộng hòa khiến cho ứng viên tổng thống Woodrow Wilson (đảng Dân chủ) đạt được một chiến thắng thuyết phục trong lần bầu cử vào năm 1912. Nên biết rằng, ông William Taft vốn là một luật sư đã nộp đơn ứng cử tổng thống theo lời chỉ bày của bà xã và người tiền nhiệm Theodore Roosevelt.

Taft thường nói: “Chính trị khiến tôi muốn bệnh” và ao ước quay lại nghề luật vào những năm sau khi ông bị thất bại. Đỉnh cao trong sự nghiệp của William Taft có lẽ là việc ông được bổ nhiệm trở thành Chánh án Hoa Kỳ vào năm 1921, ông làm công việc này suốt 9 năm và có lẽ là Tổng thống Hoa Kỳ duy nhất kiêm luật sư hàng đầu đất nước.

“Cần thủ” nổi tiếng

Có vài Tổng thống Mỹ là những “cần thủ” giỏi, nhưng có lẽ không ai qua mặt được Herbert Hoover, vị tổng thống thứ 31 của Hoa Kỳ. Một cuốn tiểu sử công bố vào năm 2005 mang tiêu đề Hoover, Tổng thống câu cá chính là nói đến sở thích của Herbert Hoover.

Khi còn ở Nhà Trắng, Herbert Hoover thường thích tranh thủ những lúc rãnh rỗi để giảm trầm cảm, mệt mỏi bằng cách ngồi hàng giờ một mình để thư dãn ven sông và sau đó ông được thay thế bởi Franklin Roosevelt vào năm 1933, Hoover vẫn tiếp tục thú vui của mình cùng khả năng làm chính trị và ngoại giao.

Trong suốt sự nghiệp tổng thống dài hơi của mình, Herbert Hoover viết rất chắc tay về các vấn đề đối ngoại quốc tế cùng những vấn đề đang bủa vây nước Mỹ. Nhưng trong cuốn sách cuối cùng, Herbert Hoover đã viết về một khía cạnh rất khác.

Xuất bản vào năm 1963, chỉ 1 năm trước khi qua đời, cuốn sách mang tiêu đề “Câu cá giải trí” đã khắc họa thú tiêu sầu bằng cách câu cá của Herbert Hoover, trong cuốn sách này có một câu nói bất hủ của Hoover khi ông tuyên bố: “Tất cả đàn ông đều bình đẳng trước cá!”.

Quay lại Nhà Trắng

Chỉ có số ít tổng thống quay lại Nhà Trắng sau khi xảy ra một thất bại tranh cử, trong đó phải kể đến Grover Cleveland vào năm 1892, ông đã thật sự làm nên kỳ tích đó. Trong quá trình này, ông đã trở thành tổng thống thứ 22 và 24 của Hoa Kỳ. Cleveland bị đánh bại bởi Benjamin Harrison sau nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 1888 nhưng vẫn đủ nổi tiếng với đảng Dân chủ trong cơ hội lần 2 chống lại Harrison chỉ 4 năm sau đó.

Vào cuối nhiệm kỳ thứ 2 của mình, Cleveland đã nghỉ hưu, sau đó ông tha hồ rong chơi trong các quán rượu ở khắp nơi trên thế giới.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/thu-vui-cua-cac-tong-thong-my-sau-khi-roi-nha-trang-490457/