Thư viện trường học: Nhiều nơi chỉ là kho chứa sách

Luật Thư viện đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Các ý kiến cho rằng, trong 8 loại thư viện mà Dự thảo Luật nêu ra thì thư viện tại cơ sở giáo dục có tầm quan trọng bậc nhất. Bởi lẽ, thư viện trường học góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng nhân cách cho học sinh, sinh viên. Thế nhưng, dù thư viện là một trong những tiêu chí để công nhận một trường tiểu học đạt tiêu chuẩn 'Trường chuẩn quốc gia', nhưng thực tế ở nhiều trường học thư viện là một kho sách hơn là thư viện phục vụ học sinh...

Nhiều thư viện trường học rất vắng học sinh tới đọc sách.

Nhiều thư viện trường học rất vắng học sinh tới đọc sách.

Thư viện... cho có

Theo đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng (Đoàn TP Hồ Chí Minh), nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Nhật Bản đã ban hành Luật Thư viện trường học từ năm 1953. Tại Hàn Quốc, Luật Thư viện trường học được ban hành vào năm 1963, bắt buộc mỗi trường học đều phải có thư viện. Các quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược cách đây nhiều năm. Họ rất chú trọng và đầu tư thực sự cho thư viện trường học.

Trong khi đó, thư viện cơ sở giáo dục ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh nhiều đơn vị xem thư viện là trái tim của trường học, vẫn còn nhiều đơn vị không quan tâm đến việc phát triển thư viện. Có trường bố trí thư viện ở tầng cao nhất hoặc ở gần nhà vệ sinh, không phù hợp và không thuận tiện cho trẻ em đến đọc sách và tìm thấy sự hứng thú với hoạt động thư viện.

Hơn nữa, trung bình một thư viện trường tiểu học được cấp 8 triệu đồng một năm không đủ để trang bị sách cho học sinh. Nhiệm vụ chính của rất nhiều thư viện hiện nay là bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập cho học sinh.

Chưa kể, cán bộ thư viện cơ sở giáo dục hiện nay không có chế độ chính sách bảo đảm cho cuộc sống và tạo động lực cho nghề nghiệp, cũng không có chế độ thâm niên, không có phụ cấp đứng lớp. Rất nhiều trường bố trí cán bộ thư viện là giáo viên kiêm nhiệm hoặc giáo viên đứng tuổi không còn sức khỏe giảng dạy tại lớp.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định) nhận định, hiện đã có 400 thư viện các trường đại học và cao đẳng, gần 26.000 thư viện ở trường phổ thông các cấp. Hệ thống thư viện, trường học đang chiếm đến 85% trên tổng số thư viện của cả nước. Nếu kể cả các tủ sách, phòng đọc trong trường học thì hệ thống thư viện trường học có quy mô và số lượng rất lớn trên toàn quốc.

Dù mang tính đặc thù riêng nhưng thư viện vẫn góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng ngay trong nhà trường. Hơn nữa, về cơ sở pháp lý, tính từ thời điểm Pháp lệnh Thư viện năm 2000 được ban hành đến nay đã có trên 30 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thư viện.

Theo đó, trong trường phổ thông, thư viện được xác định là một hạng mục thiết yếu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa khoa học của nhà trường, được Nhà nước đầu tư xây dựng hạng mục và hoạt động khá đồng bộ với phòng học bộ môn chức năng của nhà trường.

Nhiều bất cập

Tuy nhiên, cũng theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo thì thực tế còn nhiều vấn đề. Đó là, ở một số trường học hiện nay, thư viện chỉ được coi là một kho chứa sách, gây lãng phí về phòng ốc. Có nơi lại không được đầu tư về cơ sở vật chất, số lượng các đầu sách không nhiều và chất lượng không cao.

Mặt khác, tại nhiều nhà trường nhắc đến thư viện là nhắc tới một vị trí cố định, có khi lại đặt không hợp lý trong khuôn viên, không thuận lợi cho học sinh lui tới, thời gian hoạt động thì theo giờ hành chính, mở cửa khi học sinh đã vào học và đóng cửa trước khi học sinh tan học. Chưa kể, thời gian nghỉ giải lao ở trường hạn hẹp, trong khi đó hầu hết học sinh cần vận động chứ không phải tiếp tục ngồi đọc sách trong thư viện nhà trường vào thời điểm này...

Trong khi đó, người làm công tác thư viện hoặc là kiêm nhiệm hoặc thiếu trình độ chuyên môn, thiếu kỹ thuật, nhiều khi không hợp tác, tạo tâm lý e ngại cho học sinh. Nhiều nhà trường đã không chú trọng đến công tác phát triển kỹ năng đọc cho học sinh từ sớm. Khó khăn tiếp theo phải kể tới là trình độ cán bộ thư viện trường học còn chưa đạt.

Hiện nay trong các trường đào tạo cán bộ thư viện chưa đào tạo cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp, khiến nhiều cán bộ thư viện không thể và không có khả năng lên lớp trong giờ thư viện dẫn tới sự kém chủ động trong việc giới thiệu sách và thu hút bạn học sinh lên thư viện. Và nữa, chế độ chính sách, những ưu đãi dành cho cán bộ thư viện trường học rất ít ỏi.

Nhiều trường học chỉ coi thư viện là công cụ để đạt chuẩn quốc gia, nếu đạt chuẩn rồi thì không còn quan tâm tới hoạt động của thư viện nữa. Do đó, cán bộ thư viện rơi vào tâm trạng chán nản, không muốn triển khai xây dựng các dự án thư viện hoặc cải tiến thư viện, làm giảm vai trò và giá trị giáo dục của thư viện.

Khó khăn nữa là từ phía học sinh và cha mẹ học sinh. Đối với học sinh, chuẩn đầu ra của các lớp học khiến các em luôn bị áp lực trong việc học tập. Thêm vào đó, sự chi phối của các phương tiện truyền thông, giải trí hiện đại khiến các em không còn mặn mà với việc đọc sách. Đối với phụ huynh, nhiều phụ huynh học sinh cho con em mình học bồi dưỡng, học nâng cao nên các em không có thời gian đọc sách.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Thư viện không chỉ là sách

Xưa thư viện là nơi lưu trữ sách và mọi người đến tìm sách để đọc, nhưng nay thời đại đã thay đổi. Ngành thư viện cần trả lời câu hỏi “có nhất thiết là mọi người phải đến thư viện ngồi đọc sách nữa không?”.

Nếu câu trả lời là vẫn cần thiết thì các thư viện cần làm gì đó để phát huy được vai trò của mình. Bởi thế, thư viện cần chuyển đổi thành một không gian sáng tạo, một nơi để mọi người đến tiếp nhận, trao đổi tri thức. Đừng nghĩ thư viện chỉ là sách mà còn là các hoạt động văn hóa khác.

TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học - ĐH Sư phạm Hà Nội: Cần có sự kiểm tra kiểm soát việc dạy kĩ năng đọc sách trong nhà trường

Nếu các trường có thư viện mà học sinh không được tiếp xúc thường xuyên thì quá lãng phí, thậm chí có hại khi trẻ em học được tính hình thức từ người lớn. Bởi thế, việc việc dạy trẻ có thói quen đọc sách là điều phụ huynh cần phải làm vì khi có sách, con sẽ không tin hoàn toàn vào thông tin trên mạng.

Thậm chí, học sinh phải có khả năng kiểm chứng cả thông tin mạng. Và để thư viện các trường hoạt động hiệu quả hơn hiện nay thì các trường nên có tổng hợp về số lượng sách được học sinh đọc nhiều, số học sinh không bao giờ cầm tới, dạng tài liệu được tham khảo rộng rãi….

Có như vậy, mới biết nên thêm mới sách nào, bỏ đi sách không hữu ích, tránh được lãng phí đầu tư vào thư viện trường học. Mặc dù ngày nay khi mạng bùng nổ, chỉ một “click” đã có thể đủ thông tin nhưng sách trên thư viện là một nguồn tư liệu không thể thay thế. Nhưng việc con thích đọc sách hay không lại là quan niệm của bố mẹ là chính.

Khi bố mẹ rèn được cho con “nghiện” lên thư viện, “nghiện” đọc sách, coi sách là nguồn tư liệu phong phú thì lúc đó con sẽ tự lựa chọn và chủ động trong việc lên thư viện đọc sách. N.Thương (t/h)

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/thu-vien-truong-hoc-nhieu-noi-chi-la-kho-chua-sach-482321.html