Thư viện những người hiến, tặng sách (*)

Nhân Hội sách TPHCM lần thứ 10 vừa diễn ra, thử bàn về việc phát triển thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng.

Học sinh trường THCS Ngô Quyền, xã Cư’ Mta, huyện M’Drăk, tỉnh Daklak đọc sách tại thư viện do các mạnh thường quân tài trợ. Ảnh: Minh Tâm

Khi phải “chia tay” với sách

Giả sử bạn có khoảng vài trăm cuốn sách từng yêu quý và cần thiết cho công việc của mình suốt bao nhiêu năm nhưng nay không còn sử dụng, hoặc vì một lý do bất khả kháng nào đó không thể lưu giữ nó tại nhà, khi ấy bạn sẽ giải quyết thế nào? Đem gửi nhờ ở nhà người quen, bà con? Đem bán cho các cửa hàng sách cũ? Hay đem tặng cho bạn bè hoặc một cơ sở văn hóa, thư viện... chẳng hạn?

Nhiều người quen biết của tôi từng rơi vào hoàn cảnh khó xử đó: một ông công chức về hưu muốn rời thành phố về quê sống với con cháu nhưng không thể mang theo hết các tủ sách của mình; một ông bạn già chuyên nghiền ngẫm sách văn, sử mà tài sản quý giá là mấy kệ sách lớn, nay đã tuổi cao sức yếu, mắt mũi kèm nhèm, không mấy khi đụng đến sách báo nữa, trong khi con cái chẳng đứa nào theo ngành này; một nhà báo trẻ lúc còn độc thân thì tích cóp, sưu tầm cả ngàn cuốn sách các loại chứa đầy căn nhà nhỏ, sau khi cưới vợ sinh con thì... đau đầu vì cái không gian sinh tồn của gia đình mình teo tóp bởi sách và sách...

Danh sách này còn dài, nhưng thôi, hãy xem cách mà họ giải quyết chuyện khó xử của mình. Mỗi người một cách và “hậu vận” của các tài sản sách ấy cũng rất khác nhau. Ông công chức về hưu ấy tạm thời chuyển hết số sách của mình gửi nhà một người bà con trước lúc về quê; sau vài năm có dịp trở lại thì hỡi ơi mối mọt, khí ẩm đã làm hỏng bộn bề. Trách sao được, họ cho gửi nhờ là tốt lắm rồi, đâu phải ai cũng có thời gian và công sức để thường xuyên chăm nom sách như ông ấy!

Ông bạn ham nghiên cứu văn sử thì do tình nghĩa với sách quá nặng nên cứ dùng dằng, bối rối, nửa đem tặng cho bạn bè, nửa giữ lại. Ông tâm sự: “Có người bảo đem bán cho cửa hàng sách cũ nhưng cái kiểu họ trả mình 1 mà bán lại cho người khác gấp mấy lần thì chỉ tội nghiệp cho sách và người!”.

Còn anh bạn nhà báo thì sau một thời gian dò hỏi đã chuyển mấy chục thùng sách của mình tặng thư viện của một ngôi chùa mà anh biết là họ trân trọng sách và có cách giữ gìn, phát huy hiệu quả của số sách ấy.

Quả là sách vở cũng có số phận thăng trầm khác chi con người!

Lập thư viện tư nhân - từ của một người đến nhiều người

Đã hẳn, với quyền sở hữu cá nhân thì mỗi người có toàn quyền xử lý hiến, tặng hay không tài sản riêng của mình - ở đây là sách. Có điều nếu nhìn dưới góc độ lợi ích chung thì xem ra việc hiến, tặng sách cho các cơ sở văn hóa, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng như nhà báo trẻ nêu trên là một cách giải quyết ổn thỏa, tốt đẹp, vừa giúp chủ nhân yên tâm rằng số sách yêu quý của mình không bị rẻ rúng, hư hỏng, mất mát, lại vừa phát huy được giá trị, hiệu quả của số sách ấy với nhiều người đang thiếu sách để đọc, để mở mang kiến thức.

Như vậy, ngoài việc hiến tặng sách cho các đơn vị tổ chức công lập như thư viện công cộng, các trường học, viện nghiên cứu, trung tâm văn hóa..., liệu ta có thể quảng bá, nhân rộng cách làm này chăng, khi mà số lượng người sở hữu nhiều sách nhưng không còn sử dụng, không có điều kiện giữ lại được hoặc không thể tự đứng ra lập một thư viện tư nhân như trên không phải là ít, kèm theo đó là hàng triệu bản sách hữu ích chưa biết lưu lạc về đâu. Vấn đề ở đây không chỉ là cần có thêm nhiều thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng miễn phí như đã có mà còn phát triển mô hình này dưới dạng tập thể, cộng đồng khởi xướng thành lập, chuyên tiếp nhận và phát huy hiệu quả nguồn sách hiến tặng của nhiều thành phần trong xã hội.

Thực tế, lâu nay đã xuất hiện khá nhiều thư viện tư nhân ở nhiều địa phương do các cá nhân, từ người cựu chiến binh, doanh nhân, nhà giáo, cán bộ về hưu cho đến lão nông, lập ra. Con số ước tính chưa đến 100 thư viện loại này trên cả nước. Trong số này có những thư viện hoạt động rất tốt, gây được tiếng vang như thư viện Dương Liễu của anh Nguyễn Bá Lương (Hà Nội), thư viện của anh Phạm Thế Cường, thư viện chùa Huệ Quang (TPHCM), thư viện của ông Tư Hưng (Vĩnh Long), thư viện Cây Tùng của ông Nguyễn Huy Thục (Nghệ An)...

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, các thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng hiện nay đại đa số do một cá nhân lập ra và hoạt động với nguồn sách báo và cơ sở vật chất mình đang có; phần tiếp nhận từ các hoạt động hiến tặng bên ngoài không nhiều. Lý do dễ hiểu là các chủ nhân thư viện này tuy giàu nhiệt tình, thiện tâm nhưng thường yếu về khả năng quảng bá vận động, thiếu nguồn kinh phí và nhất là về cơ sở vật chất, mặt bằng.

Do vậy, để phát triển mạng lưới thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, thay vì chỉ một cá nhân có nguồn sách báo riêng đứng ra lập thư viện thì nên có những nhóm người yêu sách hoặc tổ chức xã hội phi lợi nhuận, tình nguyện đứng ra khởi xướng thành lập và điều hành thư viện. Và nguồn sách của thư viện không phải là tài sản riêng của một cá nhân mà là tài sản cộng đồng có được từ các cuộc vận động quyên góp, ủng hộ, hiến tặng sách cùng một số phương tiện phục vụ khác của mọi người (kể cả những người sáng lập) và các tổ chức trong xã hội. Được như vậy thì nguồn cung sách báo và mạng lưới thư viện của chúng ta không chỉ đa dạng, được mở rộng thêm mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí cho xã hội và tránh được tình trạng lãng phí sách rất đáng tiếc.

Có thể gọi đây là “Thư viện những người hiến, tặng sách”, hoặc ngắn gọn là “Thư viện sách hiến, tặng” như một kiểu phát triển của thư viện tư nhân phi lợi nhuận. Do mô hình này tập hợp, tiếp nhận được nhiều nguồn khác nhau từ rất nhiều tủ sách gia đình trong xã hội cho nên nó sẽ có “trữ lượng” sách báo rất dồi dào, đa dạng, có nhiều phát hiện bất ngờ. Và với đặc điểm đó, chúng sẽ bổ sung, hỗ trợ cho mạng lưới thư viện công cộng nhà nước và các dạng thư viện tư nhân khác đang hoạt động.

Có lẽ cái khó khăn lớn nhất để thực hiện mô hình chính là vấn đề mặt bằng, không gian (kho) chứa sách báo và nơi đọc sách - nhất là ở các thành phố lớn, nơi “tấc đất tấc vàng”. Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa là vô kế khả thi bởi vì đã có không ít những mạnh thường quân vui vẻ hiến đất làm trường học, hoặc cho mượn nhà dài hạn làm cơ sở từ thiện. Thực tế, nếu như lúc đầu chưa làm được ở các thành phố lớn thì có thể thực hiện ở các quận, huyện ngoại thành, các thị xã, tỉnh nhỏ - nơi mà mặt bằng, nhà cửa còn chưa lên cơn sốt. Cũng đừng quên rằng, với chủ trương xã hội hóa văn hóa, giáo dục..., Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở thực hiện xã hội hóa, trong đó có việc giao đất, cho mượn, cho thuê đất được miễn hoặc giảm tiền thuê đất...

Thứ đến là vấn đề quảng bá, vận động mọi người ủng hộ dự án, hiến, tặng sách. Công việc này đòi hỏi khả năng tìm kiếm, thuyết phục và tổ chức tiếp nhận, lưu trữ bảo quản sách. Một khi những người sáng lập tạo được sự tin tưởng và có kế hoạch làm việc bài bản, khoa học và minh bạch thì chắc rằng sẽ thuyết phục được đông đảo người hiến tặng sách cũng như sự ủng hộ của chính quyền và các nhà tài trợ.

Vấn đề còn lại là nhiệt tâm vào cuộc của những nhóm tình nguyện và các tổ chức phi lợi nhuận vốn tha thiết với sách, mong muốn lưu giữ và phát huy giá trị nguồn sách đồ sộ trong dân chúng, góp một phần vào việc truyền bá kiến thức qua sách và sự phát triển của văn hóa đọc trong cộng đồng.

(*) Để cho gọn, từ “sách” trong bài này dùng chỉ chung cho các loại “sách, báo, tài liệu”; các văn bản pháp lý hiện hành gọi đó là “vốn tài liệu” của thư viện.

Công Thắng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/270937/thu-vien-nhung-nguoi-hien-tang-sach-.html