Thư viện của 'thầy giáo' ngồi xe lăn

Với mong muốn đem lại sân chơi bổ ích cho các bạn nhỏ, anh Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) đã dùng chính căn nhà của mình để thành lập một thư viện sách mang tên 'Hallo world - Xin chào thế giới'. Không chỉ vậy, anh còn dạy các bạn nhỏ học bài, rèn chữ. Đặc biệt ở chỗ, anh Trường lại là một người khuyết tật.

Thư viện Hallo world được chính thức hoạt động vào tháng 3/2018. Tính đến nay thư viện đã có hàng trăm đầu sách với nhiều nội dung đa dạng về lịch sử, khoa học, kỹ năng sống, sức khỏe, sách giáo khoa, tiểu thuyết, truyện ngắn… Để có thể thành lập được thư viện, anh và hai người bạn là Nguyễn Quốc Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Nương đã cùng nhau đi quyên góp, kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp sách nhiều tháng trời.

Hằng ngày, thư viện của anh đón tiếp rất nhiều bạn nhỏ trong xã, thôn đến mượn sách.

Đến thư viện tìm sách, có bạn đọc ngay tại chỗ, có bạn lại mượn về nhà. Những người đến mượn sách tự giác ghi thông tin vào sổ của thư viện. Sách đọc và mượn về hoàn toàn miễn phí. Không chỉ đến mượn, nhiều bạn nhỏ còn mang sách, truyện cũ của mình đến để đóng góp thêm cho thư viện, trao đổi sách với mọi người.

Anh Trường vốn là một người khuyết tật, anh bị teo cơ từ khi còn nhỏ, chân tay co quắp, cuộc sống gắn liền với chiếc xe lăn. Mặc dù vậy, không đầu hàng số phận, anh vượt lên chính mình. Từ chỗ tập từng nét chữ nguệch ngoạc bằng miệng, giờ anh đã làm chủ được cây bút, không những thế còn viết rất đẹp.

Ban đầu, thấy thích thú với việc viết chữ bằng miệng, anh gọi mấy đứa cháu đến nhà cùng luyện chữ. Ấy vậy mà, số trẻ đến nhà anh rèn chữ, học bài cứ ngày một đông dần. Anh mở lớp học, với mong muốn tạo một không gian học tập đúng nghĩa cho các em nhỏ. Lớp học không có bảng đen, phấn trắng nhưng lúc nào cũng trật tự, quy củ, ai nấy cũng đều tập trung.

Lớp học đặc biệt này không phân biệt tuổi tác, mà chỉ phân loại trình độ, kiến thức của các em. Không chỉ được "thầy" Trường dạy viết, bọn trẻ còn học làm toán, đánh vần. Hơn nữa, ở đây chưa khi nào anh Trường nhắc đến chuyện thù lao. Học phí cho tất cả đều miễn phí hoặc do các gia đình tự nguyện hỗ trợ. Từ ngày anh lập thư viện sách, ngoài giờ học, nhà anh vẫn luôn rộn tiếng con trẻ. Anh bảo, dạy trẻ học đã khó, giữ được “lửa” cho học trò còn khó hơn. Thư viện sẽ giúp các em học sinh nuôi dưỡng sự ham học hỏi, là cầu nối giữa anh với các học trò.

Anh Trường viết bằng miệng

Cứ mỗi sáng thứ bảy hàng tuần, các bạn đoàn viên, thanh niên trong khu vực vẫn luôn thay phiên nhau đến dọn dẹp, phân loại sách theo chuyên đề, hỗ trợ sắp xếp lại thư viện cho ngăn nắp, sạch sẽ. Tuy mới hoạt động nhưng thư viện Hallo World đã cùng các bạn thanh, thiếu nhi trong khu vực thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức trung thu, thi kể chuyện cổ tích…

Đã từng mất đi niềm tin vào cuộc sống, sợ hãi chính mình, nhưng với anh Phùng Văn Trường bây giờ, động lực lớn nhất để hằng ngày luôn cố gắng đó chính niềm yêu thích đọc sách, tìm hiểu những kiến thức mới và giúp các em nhỏ tập viết, tập đọc. Bên cạnh đó là gia đình, với sự yêu thương, tần tảo của người vợ và niềm hạnh phúc vô bờ bên đứa con trai cũng đang sắp sửa cắp sách đến trường.

Tình yêu và sự hy sinh của chị dành cho anh đã là nguồn động viên, giúp anh vượt lên chính bản thân mình, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng.

Những hình ảnh cảm động của "thầy giáo ngồi xe lăn" do phóng viên báo Lao động Thủ đô ghi lại:

Không chỉ học chữ, các em đến đây còn được học làm toán.

Mặc dù đã 20 tuổi nhưng Lê Văn Tuấn chưa từng được đi học, em bị tật từ nhỏ, ảnh hưởng đến não, tai lại không nghe được nên bị mất khả năng phát âm. Được thầy Trường dạy viết hơn một tháng, nay Tuấn đã có thể đánh vần và viết được bảng chữ cái

Chưa bao giờ anh Trường hết việc, hễ các em bận đến trường thì anh lại tự mình phân loại sách được gửi đến từ các nhà hảo tâm.

Đôi bàn tay anh mặc dù rất khó cầm nắm, nhưng vẫn cố gắng sắp xếp các đầu sách ngăn nắp, khoa học để các em dễ tìm, đơn giản vì anh cảm thấy yêu thích công việc này.

Kệ sách này anh đã bó lại cẩn thận, dành riêng để nhờ người chuyển lên vùng cao tặng các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với việc học, đọc sách, các hoạt động vui chơi bổ ích và hấp dẫn của các bạn thanh niên tình nguyện, dành cho các em nhỏ cũng được tổ chức đều đặn vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần.

Sách được phân loại theo chuyên đề và có đóng dấu của thư viện.

Bé Quảng năm nay đã được 5 tuổi, là "phép màu kỳ diệu" mà vợ chồng anh may mắn có được.

Chị Hường, vợ anh là người đã không ngại ngần thay chồng xốc vác mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình.

Bài và ảnh: Cao Mạnh Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thu-vien-cua-thay-giao-ngoi-xe-lan-81806.html