Thư về tòa soạn

Tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh

Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, ven biển giai đoạn 2017-2021", từ nhiều năm nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân nơi đơn vị đóng quân. Mới đây, đơn vị đã phối hợp với Ban giám hiệu Trường THCS Thanh Thủy, huyện Thanh Chương tổ chức giảng dạy pháp luật về biên giới cho học sinh lớp 9 của trường (xem ảnh).

Theo đó, các em học sinh được giới thiệu về Luật Biên giới quốc gia, Nghị định số 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và pháo thuốc. Cùng với đó, các em còn được phổ biến về những tác hại của ma túy, pháo nổ và các loại tệ nạn xã hội...

Bài và ảnh: PHƯƠNG LINH - DƯƠNG HOÀNG (số 6 Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An)

Ngăn chặn kịp thời!

Khu vực vỉa hè trước Nhà thiếu nhi quận 9, TP Hồ Chí Minh được chỉnh trang quy hoạch thành khu vui chơi và tập luyện thể thao của người dân cũng như các em thiếu nhi trên địa bàn. Việc các cơ quan chức năng cho lắp đặt hơn chục loại máy tập luyện thể thao đa năng công cộng ở đây cũng phần nào thu hút lượng người tập luyện thể thao mỗi ngày một đông, nhất là vào các buổi chiều và tối.

Tuy nhiên gần đây, ở khu vực này xuất hiện một số hộ kinh doanh xe điện cân bằng đã gây phiền toái cho việc luyện tập thể thao của người dân và gây nguy hiểm cho các em thiếu nhi. Thực tế cho thấy, việc thanh, thiếu niên thuê xe điện cân bằng để chạy trên phần vỉa hè của khu tập luyện thể thao, vui chơi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho những người tập thể dục, đi bộ trên vỉa hè, nhất là các cháu thiếu nhi được bố mẹ cho ra khu vực này vui chơi. Vì sự an toàn của người dân, đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tốt nhất nên cấm các hộ kinh doanh cho thuê xe điện ở khu vực này.

TRẦN ĐĂNG QUANG (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)

Phiền toái từ những cuộc gọi “rác”

Nhiều lần đang điều khiển xe máy, tôi phải vội tấp vào lề đường nghe điện thoại. Thế nhưng câu đầu tiên tôi nghe từ đầu dây bên kia là: “Em chào chị! Em là nhân viên của hãng bảo hiểm A (bất động sản B, chăm sóc sắc đẹp C)…”. Mặc dù rất bực nhưng tôi vẫn cố gắng nhã nhặn: “Em thông cảm, chị không có nhu cầu” và cúp máy. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, lại một số điện thoại khác gọi đến tiếp thị những dịch vụ trên.

Hiện nay, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại di động đang phải hứng chịu phiền toái từ các cuộc gọi “rác” như trên. Đáng chú ý, chủ thuê bao không hề cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân cho các dịch vụ trên nhưng họ lại biết rõ tên tuổi, địa chỉ và nghề nghiệp của chủ thuê bao. Thực tế này một phần nguyên nhân do việc mua bán thông tin cá nhân tràn lan trên internet.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng các nhà mạng ngăn chặn hiệu quả nạn tin nhắn “rác”, do đó tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được các cuộc gọi “rác”. Để làm được điều này, cơ quan quản lý và các nhà mạng cần quản lý chặt chẽ các thuê bao. Cùng với đó, người dân cần cung cấp, phản ảnh cho cơ quan chức năng, các nhà mạng những số điện thoại gây phiền nhiễu; cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại của mình khi đăng ký các dịch vụ trên internet.

PHAN HOÀNG THẢO ANH (đường Tô Hiến Thành, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái)

Bực mình khi đi khám bệnh dịch vụ

Sáng 7-11, tôi đưa cháu đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP Hồ Chí Minh) khám bệnh. Do máy tính nhập dữ liệu ở phòng thu tiền khám dịch vụ bị trục trặc nên bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu. Có người đi khám từ 6 giờ đến gần 9 giờ nhưng vẫn chưa được đóng tiền để khám chuyên khoa. Chính vì vậy xảy ra tình trạng đông nghẹt người, nhốn nháo, một số người ngồi bệt xuống sàn nhà để chờ (xem ảnh).

Một số bệnh nhân lớn tuổi bức xúc, đề nghị nhân viên thu tiền có giải pháp khác để việc khám, chữa bệnh được tiến hành ngay. Thay vì cảm thông với người bệnh, một nhân viên đã có những lời nói khiếm nhã, khiến mọi người bực mình. Điều đáng trách nữa là cả 3 nhân viên thu phí đều không đeo thẻ định danh nên không ai biết tên và họ làm chuyên môn gì?

Tình trạng máy tính trục trặc là sự cố khách quan, ai cũng có thể thông cảm. Lẽ ra khi sự cố xảy ra, nhân viên thu phí nên đọc loa xin lỗi người bệnh thì chắc sẽ không gây phiền lòng cho bệnh nhân. Nhưng họ không làm thế, trái lại còn cáu gắt với người bệnh.

Đề nghị Ban giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sớm có biện pháp chấn chỉnh đối với những nhân viên trực ở phòng thu tiền sáng 7-11. Đừng xem bệnh nhân là người chịu ơn, mà phải là khách hàng cần được tôn trọng.

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH VŨ (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thu-ve-toa-soan-523926