Thủ tướng yêu cầu triển khai rộng rãi ghi âm, ghi hình để giám sát cán bộ

Thủ tướng ký ban hành công điện số về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở của chính sách, pháp luật… sách nhiễu, gây phiền hà, thậm chí tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện hoạt động công vụ, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong chỉ thị, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong một số lĩnh vực (hải quan, thuế, quản lý thị trường…) và ngay cả trong chính lực lượng chức năng của thanh tra một số địa phương và bộ, ngành. Đồng thời, dư luận xã hội cũng bức xúc về sự thiếu minh bạch, thiếu kiểm soát, nguy cơ tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của một số lĩnh vực nhạy cảm khác (điều tra, thi hành án, kiểm toán, tổ chức nội vụ…)

Thực thi công vụ vô tư, trong sáng là một đòi hỏi thường trực đối với cán bộ, công chức.

Thực thi công vụ vô tư, trong sáng là một đòi hỏi thường trực đối với cán bộ, công chức.

Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và thủ trưởng các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật.

Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ. Cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường… bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ

Từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên.

Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm cao trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thực thi công vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định; đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên…

Được biết, ngay sau khi có công điện của Thủ tướng, TP Đà Nẵng cũng đã ban hành Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên.

Mới đây, Bộ Công an cũng vừa hoàn tất lấy ý kiến dự thảo lần cuối về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Dự thảo lần này thay thế thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009 và có một số nội dung mới so với dự thảo lần 2 được Bộ Công an lấy ý kiến từ cuối tháng 6. Dự thảo nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ cuối năm nay.

Theo dự thảo thông tư lần này, Bộ Công an đã bổ sung thêm một số hình thức giám sát của người dân đối với hoạt động của công an nhân dân, cảnh sát giao thông. Bộ Công an đề xuất người dân được phép giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Việc giám sát này phải thực hiện theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.

Trao đối với Tuổi Trẻ, một nguyên cục phó Cục pháp chế, Bộ Công an đánh giá đề xuất người dân được ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông đi vào hướng hoạt động của cán bộ công an công khai minh bạch. Điều này thông qua việc người dân được giám sát. Đó là điều tốt nhưng sẽ có những khuynh hướng phức tạp nảy sinh ngoài mong muốn mà pháp luật chưa điều chỉnh cần nghiên cứu tiếp.

"Có nhiều cái phát sinh không lường hết nên phải có một số nguyên tắc, người dân có quyền thì cũng phải có nghĩa vụ. Bản thân người vi phạm trước tiên phải chấp hành hiệu lệnh, đưa xe vào nơi xử lý chứ chưa gì đã quay phim, tranh cãi đôi co thì rất phản cảm. Người dân cần biết giới hạn của mình đến đâu, quyền đến đâu để giám sát mà không làm ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng" - nguyên cục phó Cục pháp chế phân tích.

Nguyên An

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thu-tuong-yeu-cau-trien-khai-rong-rai-ghi-am-ghi-hinh-de-giam-sat-can-bo-159782.html