Thủ tướng yêu cầu thảo luận 'vì sao giá thịt lợn vẫn tăng cao'

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5, Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm về vấn đề chống xâm hại trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em và giải quyết căn cơ, bài bản câu chuyện giá thịt heo hiện nay.

Sáng 2/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020. Đây là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội vì dịch covid-19.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng đề cập đến tình hình phòng chống dịch covid-19 khi 48 ngày qua Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong khi đó, phần lớn ca nhiễm đã ra viện; ca bệnh rất nặng như phi công người Anh có nhiều tiến triển tốt…

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Ảnh: VGP

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Ảnh: VGP

Kinh tế nước ta phục hồi khá nhanh, mạnh trong tháng 5 so với tháng 4. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn đã lao động hết mình, hứa hoàn thành toàn diện mục tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2020. Một số ngành như công thương, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng… cam kết không rút lại các kế hoạch trong bối cảnh hậu covid-19.

Hoạt động sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi so với tháng trước khi hoạt động kinh tế-xã hội được khôi phục. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 11,2% so với tháng trước. Chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam đã tăng 10 điểm trong tháng 5/2020, một trong những mức tăng cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng trở lại, tăng 26,9% so tháng trước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 17,5%, thể hiện bước đầu có chuyển động. Thu hút vốn FDI dần cải thiện, phục hồi nhẹ, vốn đăng ký 5 tháng đầu năm đạt 13,9%. Trong tháng 5, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn.

Hình ảnh, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi về sức khỏe tài chính, được xếp hạng bởi Tạp chí The Economist vừa công bố trong tháng 5/2020. Văn hóa, xã hội hoạt động bình thường, giải bóng đá Việt Nam trở lại thi đấu với số lượng khán giả đến sân được đánh giá là đông nhất thế giới trong tháng 5.

Để phục hồi kinh tế sau đại dịch, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có nhiều hoạt động tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nghị quyết 84 mới được ban hành và một số nghị quyết khác. “Chúng ta lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế vì cung, cầu của chúng ta đều yếu do dịch covid-19 vừa rồi”, Thủ tướng nói.

Trong tháng 5, vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động. Các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do dịch đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. “Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận những vấn đề kinh tế - xã hội và một số nội dung về xây dựng thể chế, pháp luật. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm về 2 vấn đề tại phiên họp.

Một là tiếp tục đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn về chống xâm hại trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em, nhất là trong mùa hè này, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc đối với trẻ em.

Vấn đề thứ hai cần thảo luận là vấn đề giá thịt lợn, hiện nay vẫn ở mức cao mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp.

Thủ tướng đề nghị bộ NN&PTNT trình bày một số biện pháp, những yếu tố cấu thành giá thịt lợn, trong đó có chi phí thức ăn chăn nuôi, vấn đề giống, tái đàn và đặc biệt là khâu trung gian. Trong vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh phải giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt lợn cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người chăn nuôi.

Thủ tướng yêu cầu, phải giữ giá thịt lợn ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, bằng khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả lợn châu Phi cùng những biện pháp khác như nhập khẩu…

N.Giang

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thu-tuong-yeu-cau-thao-luan-vi-sao-gia-thit-lon-van-tang-cao-a477607.html