Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ: 'Làm việc nào dứt điểm việc đó'

Đây là một nội dung trong kết luận của Thủ tướng Chính Phủ về hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với Thanh tra Chính phủ. Nội dung buổi làm việc thảo luận về tình hình, kết quả công việc; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất.

Sau khi nghe báo cáo của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của hai Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trương Minh Khái cùng các đại biểu dự họp, Thủ tướng đã có kết luận, ghi nhận những đóng góp của Thanh tra Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, hoạt động của Thanh tra Chính phủ đã bám sát chủ trương đường lối của Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của các lãnh đạo Chính phủ đã thu về nhiều kết quả tích cực, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng góp phần vào sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII,...

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhận xét, ngành thanh tra thời gian qua triển khai kế hoạch triển khai chưa đúng tiến độ, chồng chéo trong thanh tra, vấn đề thu hồi tài sản cũng như tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp ở một số ngành...

Nguyên nhân do quy định còn bất cập và lỗ hổng liên quan tới pháp luật... Tinh thần kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, "vẫn còn hiện tượng lợi ích nhóm" - Thủ tướng phát biểu. Ông nhấn mạnh, về một bộ phận cán bộ chưa thực sự công tâm, trong sáng, quyết tâm, quyết liệt trong công tác. Đồng thời, sự phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan có liên quan có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm rút ra đó là xử lý công việc phải bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, pháp luật, và nghiêm túc tiếp thu ý kiến của cấp cao và thực sự công tâm, khách quan. Đặt lợi ích chung lên trên hết.

Ngành thanh tra phải thực sự đoàn kết quá trình xử lý khiếu nại, tiếp công dân phải minh bạch, khách quan. Khi giải quyết phải hợp tình, hợp lý và bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra ngay trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Về định hướng của ngành trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cán bộ của Thanh tra Chính phủ trong xử lý công việc cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, "làm việc nào dứt điểm việc đó" - Thủ tướng yêu cầu.

Về hoạt động sắp tới, Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra cần tăng cường phát hiện sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Nhất là vấn đề hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra như: Đất đai, đầu tư công, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, ngân hàng, chỉ tiêu thường xuyên...

Triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra năm 2021, tập trung vào những ngành, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực. Nâng cao chất lượng thanh tra và hiệu quả thực hiện kết luận thanh tra...

Giải quyết những vấn đề liên quan tới công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương xử lý các vụ việc phức tạp, không để phát sinh thành "điểm nóng". Trong quá trình giải quyết, cũng cần coi trọng và làm tốt công tác đối thoại, hòa giải...

Tránh tình trạng xảy ra trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Khẩn trương chỉ đạo kết thúc các cuộc thanh tra đã kéo dài quả thời hạn quy định và sớm ban hành kết luận thanh tra. Phát hiện những cá nhân nào có biểu hiện trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra thì phải kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý đối với việc thu hồi tài sản, đất đai có vi phạm, nhất là đối với các kết luận thanh tra phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các công việc hiệu quả, đúng tiến độ đề ra...

Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Trong đó nội dung chính là: Sẽ thanh tra những dự án có dư luận tiêu cực và sẽ tiếp tục tiến trình thu hồi tài sản khó do bị tẩu tán, che giấu

H.S

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/dinh-huong-cua-thanh-tra-cp-lam-viec-nao-dut-diem-viec-do-34105.html