Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý phản ánh của Báo điện tử VietnamPlus

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin về hiện tương cây tiêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên.

Nhiều diện tích hồ tiêu bị chết tại xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhiều diện tích hồ tiêu bị chết tại xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin về hiện tương hàng loạt gây thiệt hại nặng cho nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên do Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh.

Trước đó, ngày 25/10/2018, Báo Điện tử VietnamPlus đăng tải bài viết “Cây tiêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho nông dân Tây Nguyên” thông tin về diện tích tiêu chết do sâu bệnh hại ở khu vực này lên đến hơn 3.200 hécta, gây thiệt hại cho các nông hộ hàng ngàn tỷ đồng.

Theo thống kê của Viện Khoa học Kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên diện tích tiêu chết hàng loạt đang tăng lên từng ngày, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ trồng tiêu.

Thống kê đến ngày 25/10, diện tích tiêu bị chết do sâu bệnh hại gây nên của các tỉnh Tây Nguyên là trên 3.250 ha; trong đó tập trung nhiều nhất là tỉnh Gia Lai, Đắk Nông làm thiệt hại cho các nông hộ hàng ngàn tỷ đồng.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn gần 3.000ha cây hồ tiêu đang nhiễm bệnh hại, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm nên khả năng diện tích tiêu bị chết còn tăng lên…

Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do các nông hộ bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu tăng lên gấp nhiều lần so với quy hoạch.

Theo quy hoạch cây tiêu của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 mới đạt 15.000ha, thế nhưng nay đã tăng lên trên 38.616ha. Tỉnh Đắk Nông quy hoạch đến năm 2025 đưa diện tích tiêu tăng lên 13.000ha nhưng nay đã là 36.300ha. Tỉnh Gia Lai quy hoạch đến năm 2020 là 6.000ha nay đã tăng lên gần 16.322ha.

Nghiêm trọng hơn, các nông hộ sản xuất cây hồ tiêu ở Tây Nguyên còn đưa cây hồ tiêu vào trồng trên những vùng đất không thích hợp, thoát nước kém, nhất là những vùng đất dễ bị ngập úng khi có mưa lũ.

Mặt khác, cũng chính chạy theo phong trào nên các nông hộ sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc, đầu tư thâm canh quá mức, sử dụng phân hóa học quá liều lượng dẫn đến cây hồ tiêu bị ngộ độc…

Khi giá tiêu hạt rơi xuống thấp, các nông hộ sản xuất tiêu ở Tây Nguyên không đầu tư chăm sóc đầy đủ làm cho cây hồ tiêu kém phát triển, bị suy kiệt dễ dẫn đến tình trạng vườn cây bị nhiễm sâu bệnh hại làm chết hàng loạt./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-yeu-cau-kiem-tra-xu-ly-phan-anh-cua-bao-dien-tu-vietnamplus/534616.vnp