Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu trong ngày 12-11

Ngay sau cuộc họp khẩn về điều hành xăng dầu, tối 11-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký công điện yêu cầu Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về thị trường xăng dầu. Bộ phải chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường và triển khai quyết liệt các giải pháp khác để khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ hôm nay (12-11)Trong kỳ điều hành giá xăng dầu lúc 15 giờ ngày hôm qua (11-11), giá xăng E5 RON 92 tăng 840 đồng/lít, lên 22.710 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 1.110 đồng/lít, lên 23.860 đồng/lít. Tương tự, giá dầu hỏa tăng lên 24.740 đồng/lít; dầu diesel giảm nhẹ 87 đồng xuống mức 24.980 đồng/lít; dầu mazut tăng lên 14.760 đồng/kg. Như vậy, xăng dầu đã có lần tăng giá thứ 4 liên tiếp.

Người dân xếp hàng chờ đổ xăng tại TPHCM. Tình trạng thiếu xăng từ đầu tháng 10 đến nay vẫn tiếp diễn và từ phía Nam đã lan rộng ra thủ đô Hà Nội và các tính phía Bắc. Ảnh: Lê Vũ

Công điện được gửi đến bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch UNBD các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện yêu cầu, để sớm khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về công tác điều hành thị trường xăng dầu.

Cơ quan này phải chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Song song đó, Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm hợp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ trong tháng 11-2022.

Bộ trưởng Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Công thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Yêu cầu đặt ra là phải chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Việc này phải thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21.11.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát cụ thể vướng mắc của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để xử lý, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời và tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thủ trưởng các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

N.Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thu-tuong-yeu-cau-khac-phuc-tinh-trang-thieu-xang-dau-trong-ngay-12-11/