Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy về quản lý văn hóa

Để phát triển ngành văn hóa - du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, coi truyền thống văn hóa, lịch sử là một nguồn lực để đầu tư phát triển.

Kết luận cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) ngày 2/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu định hướng triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, bảo đảm an ninh quốc phòng là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.

Trước những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị ngành văn hóa cùng Chính phủ triển khai cách thức phù hợp nhất để chung sống với đại dịch, duy trì sản xuất kinh doanh trên cơ sở chiến lược “5K + vaccine”, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia phòng chống Covid-19, tìm kiếm vaccine.

“Đóng cửa ngay thì dễ quá, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh mới cần chúng ta suy nghĩ, bàn bạc. Tình hình càng khó khăn càng đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo, nếu vượt qua được sẽ càng củng cố được niềm tin của các đối tác”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: VGP.

Trong nhiều bất cập được chỉ ra của ngành văn hóa, người đứng đầu Chính phủ lưu ý thực trạng văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đã xuống cấp. Theo ông Chính, phải phân tích kỹ lưỡng, đánh giá chính xác vấn đề này để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Nguyên nhân của những vướng mắc, theo Thủ tướng, là do tư duy, nhận thức chưa đúng tầm với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành. Ngành chưa thực sự chủ động tích cực vươn lên từ nội lực, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, việc huy động, khai thác nguồn lực xã hội chưa được coi trọng, chưa phát huy hết tiềm năng du lịch lớn đang sẵn có.

Để phát triển ngành văn hóa - du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa - lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Bộ VH, TT&DL cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách và công cụ để huy động các nguồn lực.

Nhắc đến phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, Thủ tướng cho rằng “việc gì cũng lên bộ thì nhân sự gấp 10 lần cũng không làm nổi”. Ông gợi mở ngành văn hóa phải phát triển theo hướng tự chủ, đẩy mạnh hợp tác công tư, xóa bao cấp.

“Nếu duy trì cơ chế cũ thì bao nhiêu tiền ngân sách Nhà nước cũng thấy thiếu”, Thủ tướng nêu quan điểm.

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng báo cáo Thủ tướng về kết quả và những vấn đề vướng mắc của ngành văn hóa. Ảnh: VGP.

Báo cáo Thủ tướng trước đó, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ người làm văn hóa vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở trước các hiện tượng lệch chuẩn, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Ngoài ra, việc thực thi nhiều quy định của pháp luật liên quan đến văn hóa còn lúng túng; nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa còn chậm, một số chính sách đã ban hành khó áp dụng trong thực tiễn...

Trong khi đó, tư duy quản lý chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, các cơ quan quản lý vẫn còn ôm đồm, bị sa đà vào các hoạt động cụ thể, các công việc sự vụ, phong trào mà chưa thực sự phát huy được đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-yeu-cau-doi-moi-tu-duy-ve-quan-ly-van-hoa-post1222526.html