Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nêu rõ bộ, ngành nào trì trệ

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp chỉ rõ văn bản của bộ, ngành nào bất hợp lý, cản trở môi trường kinh doanh.

Toàn cảnh Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 23/12

Bàn về chủ đề Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp cần nêu rõ các khó khăn, trở ngại, những vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ, các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cung cấp điện nước…

Đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách. “Riêng về thanh tra, kiểm tra chồng lấn tôi đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sẽ có tổng kết để tháo gỡ sớm nhất”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng nhắc đến sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp. “Cần chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế, cần phải thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế. Cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, ở địa phương hay là tập trung ở Trung ương”, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị nêu những thách thức, sức ép, khó khăn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với các hiệp định FTA thế hệ mới, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến sự phát triển của doanh nghiệp như thế nào.

Đề xuất vai trò kiến tạo, hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, tăng sức cạnh tranh, vượt qua các thách thức. “Tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế để Chính phủ hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế-xã hội 2020 cũng như kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025”, Thủ tướng đề nghị.

Giảm thuế, phí cho đầu tư vào phát triển bền vững

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kiến nghị, Việt Nam đang quyết tâm “phát triển kinh tế nhanh và bền vững” để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, cần tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn bởi việc áp dụng mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Trên phạm vi toàn thế giới, áp dụng kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích kinh tế 4.5 nghìn tỷ USD tới năm 2030.

Người đứng đầu VCCI kiến nghị, trước mắt, cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, trong tương lai cần xây dựng một Luật về nền kinh tế tuần hoàn.

Nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp: thách thức trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đang ở ngay trong chính doanh nghiệp. Chính vì thế cần hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị hành trang tốt, “vũ khí” tốt, công cụ quản trị tốt và đặc biệt là ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn thành công.

Đại diện ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam khiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Điển hình như việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hay không thu thuế GTGT của các chi phí đầu tư theo hướng xanh, đổi mới doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhiều doanh nghiệp biết đầu tư vào phát triển xanh, thân thiện với môi trường là tốt và bền vững như chi phí quá cao khiến họ không dám đầu tư. "Vậy thì, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi họ đầu tư vào đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ cao để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững", Phó Thủ tướng nói.

Xây dựng môi trường kinh doanh

Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Đào Xuân Lai Trợ lý Giám đốc quốc gia UNDP cho rằng, Nhà nước và Chính phủ cần kiến tạo được môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, không quá ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay khối doanh nghiệp nhà nước (SOEs).

Trong đó, đặt ưu tiên và và tập trung nguồn lực để tăng hiệu quả đầu tư và tăng năng xuất. Chú trọng cho các lĩnh vực có thể tạo ra chuyển đổi và thay đổi lớn, tháo gỡ nút thắt. Các ngành ưu tiên bao gồm quy hoạch và quản lý đất đai, năng lượng, xây dựng, giao thông.

“Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” là một thành công cần được phát huy Chính phủ đưa ra thông điệp, cam kết, lộ trình và giám sát thực hiện và đánh giá kết quả mới đảm bảo thành công”, đại diện UNDP cho biết.

Đối với các doanh nghiệp, cần đầu tư và hoạt động có trách nhiệm, tính đến các lợi ích phát triển xã hội, trách nhiệm xã hội như tạo việc làm cho những người khuyết tật, và giảm thiểu tác động đổi với môi trường và sức khỏe.

“Đã có rất nhiều điển hình doanh nghiêp ở Việt Nam đang triển khai mô hình phát triển bao trùm, nhờ đó có được các công nghệ, dịch vụ, và tiểu ngạch thị trường riêng, sáng tạo và độc đáo”, đại diện UNDP nhìn nhận.

Về nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong năm 2020, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 về cải thiện môi kinh trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian vừa qua, môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng cần nỗ lực hơn nữa để có được cái nhìn tích cực từ doanh nghiệp.

Điển hình như, tỷ lệ doanh nghiệp phải bỏ chi phí ngầm để thực hiện thủ tục hành chính đã giảm gần 12% từ 66% xuống hơn 58% trong năm 2018, tuy nhiên con số này vẫn ở mức cao và cần tiếp tục cải thiện, Phó Thủ tướng chỉ ra.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/thu-tuong-yeu-cau-doanh-nghiep-neu-ro-bo-nganh-nao-tri-tre-3530938.html