Thủ tướng yêu cầu 'đánh giá khách quan' việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Hà Nội đánh giá kết quả dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nhật Bản, đảm bảo khách quan, xem xét nhân rộng nếu kết quả tốt.

 Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

Ngày 11/10, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về Kế hoạch đánh giá thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã triển khai tài trợ dự án thí điểm làm sạch này.

Thủ tướng giao UBND Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá kết quả dự án, đảm bảo khách quan, đề xuất cụ thể, xem xét nhân rộng nếu kết quả tốt, báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, ngày 16/5, Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor.

Sau một thời gian thí điểm, bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Ngày 8/8, dư luận đặc biệt chú ý khi chuyên gia Nhật Bản đã tắm bằng nguồn nước đã được xử lý bằng công nghệ này ở sông Tô Lịch.

Ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau thả cá Koi Nhật Bản (cá chép Nhật Bản), cá chép đỏ Việt Nam xuống khu thí điểm ở sông Tô Lịch và Hồ Tây. Cho đến nay, đàn cá này vẫn sinh sống bình thường.

Liên quan đến việc cải tạo, làm sạch sông Tô Lịch, trước đó, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy hôm 13/8, Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng đã thông tin về một phương án mà ông cho là “tối ưu” nhất, đó là tách nước thải để không cho chảy vào sông.

Ông Hùng cho biết, trong lúc chờ đợi tách được nước thải ra thì Thành phố vẫn tiếp tục bổ cập nước vào Hồ Tây rồi từ Hồ Tây cho chảy ra sông Tô Lịch để làm loãng nước sông trước khi chảy về vùng hạ lưu.

Về kinh phí để thực hiện giải pháp này, ông Võ Tiến Hùng cho biết, hiện đang xây dựng, đang đề xuất phương án. Dự kiến khoảng 150 tỉ. “Đây là phương án chúng tôi đánh giá là rẻ nhất và tối ưu nhất” - ông Võ Tiến Hùng khẳng định.

Còn đối với công nghệ Nano - Bioreactor do Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản thực hiện thí điểm, ông Hùng nói: “Đối với công nghệ Nano - Bioreactor, hiện nay phía Nhật đang thử nghiệm, do vậy chất lượng, giá thành chưa biết”.

“Quan điểm của thành phố Hà Nội, theo tôi được biết là hết sức trân trọng các ý tưởng thử nghiệm, tổ chức triển khai thí điểm. Từ 2018- 2019, Thành phố đã giao Công ty tiếp 5 đoàn có đề xuất, nghiên cứu, đánh giá, thí điểm ô nhiễm trên các sông hồ và Thành phố đã tạo điều kiện tối đa, tuy nhiên các kết quả chưa đạt yêu cầu. Do vậy, việc so sánh, đánh giá phải đợi kết quả” - ông Hùng nói.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/thu-tuong-yeu-cau-danh-gia-khach-quan-viec-lam-sach-song-to-lich-bang-cong-nghe-nhat-ban-641739/