Thủ tướng: Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

'Quan điểm chỉ đạo bao trùm là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai'-Thủ tướng đã nói như vậy tại HN toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai.

Sáng nay (29/3), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai. Đây là hội nghị có quy mô lớn, nhằm đánh giá thực trạng công tác phòng chống thiên tai những năm qua và đưa ra những giải pháp ứng phó căn cơ trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Theo tài liệu tại hội nghị, trong 20 năm qua, nước ta đã phải hứng chịu hầu như mọi loại thiên tai. Trung bình mỗi năm, thiên tai làm 400 người chết và mất tích. Nghĩa là từ năm 1998 đến nay thiên tai đã cướp đi khoảng 8.000 nhân mạng. Mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại từ 1-1,5% GDP, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và kinh tế xã hội.

Đáng lo ngại, thiên tai ngày càng gia tăng và bất thường, tần suất nhiều hơn, cường độ lớn hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn, nhất là bão mạnh, lũ lụt, ngập úng, lũ quét, hạn hán, mặn xâm nhập. Riêng năm 2017, thiên tai đã gây hậu quả rất nặng nề mà nhiều năm mới khắc phục được, đó là làm chết 386 người, tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với trung bình nhiều năm.

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị cần sớm hoàn thành đề án nghiên cứu tổng thể thực trạng biến đổi khí hậu để đề ra biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, lũ ống lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc. Cùng với đó là nâng cao độ chính xác của bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, để chỉ đạo phòng chống thiên tai hiệu quả.

Theo ông Duy, hiện nay Bộ Tài nguyên đã hoàn thành bản đồ bước 1 bàn giao cho các địa phương, tuy nhiên tỷ lệ bản đồ hiện nay là 1/100.000, hoặc 1/50.000 thì chưa thể xác định được các khu vực hoặc các điểm có nguy cơ cao về sạt lở.

"Trên bản đồ chỉ ra xã Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải là có nguy cơ cao, nhưng mà xã thì diện tích là 235km2, tức là bằng một huyện dưới xuôi, thì rất khó để xác định được điểm cụ thể để có thể sử dụng được bản đồ này"-Ông Đỗ Đức Duy nói.

Trong khi đó, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng thì đề nghị cần có quy định về cưỡng chế di dời người dân khỏi vùng thiên tai rõ ràng hơn. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đề nghị có cơ chế cho phép chính quyền địa phương xử phạt hành chính, thậm chí là cưỡng chế các đối tượng cố tình không chịu di dời khi có yêu cầu. "Đề nghị các bộ ngành nên nghiên cứu để có những quy định cụ thể để xử về vấn đề xử phạt hành chính về vấn đề cưỡng chế để chúng ta thực hiện được việc cưỡng chế một cách nghiêm túc"-ông Xứng đề nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Dù đánh giá công tác phòng chống thiên tai thời gian qua đã đạt kết quả tích cực bước đầu, nhưng Thủ tướng vẫn chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, như nhiều công trình hạ tầng không đủ khả năng chống chịu với thiên tai; năng lực dự báo chưa đáp ứng được thực tế, nhất là dự báo mưa lũ, sạt lở đất; tình trạng khai thác cát trái phép; quy hoạch sản xuất chưa chú ý đến phòng chống thiên tai.

Từ thực tế đó, Thủ tướng chỉ đạo, phải có một tinh thần “thuận thiên” trong chỉ đạo phòng chống, thích ứng với thiên tai. Theo Thủ tướng, chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, cá nhân trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng phòng chống rủi ro, trong đó, muốn giảm thiệt hại thì phải lấy phòng ngừa là chính. Các địa phương, bộ ngành phải gắn nhiệm vụ phòng chống thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

"Quy hoạch sản xuất phải biến “nguy” thành “cơ” mà nông nghiệp 2017 chúng ta đã thể hiện điều này rất rõ. Cùng là làm lúa, sản lượng tốt, chất lượng tốt vẫn phải làm để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu; vùng nào làm tôm, vùng nào nuôi cá, vùng nào cây ăn quả phải được quy hoạch sản xuất. Bài học kinh nghiệm của ĐBSCL và một số tỉnh phía Bắc là tốt, phải tiếp tục chỉ đạo rõ hướng này. Chính vì vậy mà tái cơ cấu nông nghiệp phải tính lại phù hợp một cách thực sự. Một là phù hợp biến đổi khí hậu, thứ hai là làm rõ thị trường, ai mua thứ mà anh sản xuất ra"-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu công tác tổ chức bộ máy và thể chế phải tốt hơn nữa theo hướng tinh gọn, cán bộ giỏi chuyên môn và có trách nhiệm với nhân dân trong phòng chống thiên tai. Trong đó cán bộ phải giỏi, trách nhiệm phải cao khi làm trong lĩnh vực này.

"Các đồng chí thấy quân đội, công an, phóng viên hy sinh trong chống bão lũ, lo cho dân, đáng quý lắm, chúng ta phải nêu cao tinh thần đó, trách nhiệm đó của hệ thống chúng ta. Hội nghị này là hội nghị quán triệt tinh thần trách nhiệm của cấp ủy chính quyền và hệ thống phòng chống thiên tai cả nước để lo cho dân"-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Với tinh thần không để xảy ra bão lũ mới hoạt động, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban chỉ đạo các cấp phải hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả; phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo đủ thành phần họp của các ban chỉ đạo để ra quyết định chính xác. Cùng với đó là ứng dụng khoa học công nghệ và tham mưu đề xuất giải quyết các vấn đề kịp thời hơn.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2018 có thể có 12-13 cơn bão hoạt động trên Biển Đông và khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Năm nay cũng xảy ra nắng nóng trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình và mức độ không gay gắt như năm 2017. Lượng mưa năm 2018 sẽ như trung bình nhiều năm, tập trung từ tháng 6-8/2018. /.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-xay-dung-xa-hoi-an-toan-truoc-thien-tai-744991.vov