Thủ tướng: 'Xây dựng Chính phủ điện tử, yếu tố con người là đầu tiên'

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT), hôm nay, 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xây dựng CPĐT là một việc lớn, trong đó yếu tố con người, thể chế là đầu tiên, sau đó mới đến công nghệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Có thể rút ngắn so với nhiều nước khác

Đây là Hội nghị trực tuyến lần thứ 3 được tổ chức sau gần 18 tháng thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (Covid-19).

Theo Thủ tướng, nếu làm tốt CPĐT cũng là một giải pháp ngăn ngừa Covid-19 khi hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng CPĐT trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. CPĐT không phải làm một lúc là xong mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là đang diễn ra dịch nCoV. Chúng ta phải có định hướng như thế nào để triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động.

Thủ tướng cho rằng xây dựng CPĐT là một việc lớn, trong đó yếu tố con người, thể chế là đầu tiên, sau đó mới đến công nghệ. “Từ các báo cáo của các đồng chí, chúng ta thấy một điều đáng mừng, một cách khái quát nhất là khả năng đột phá xây dựng CPĐT ở Việt Nam là rất cao, có thể rút ngắn so với nhiều nước khác”, Thủ tướng nói.

Theo xếp hạng mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 96/180, tăng 21 bậc so với năm ngoái (đứng vị trí 117). Để đạt kết quả này, ngoài việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm thì CPĐT đóng góp rất quan trọng bởi nếu tiếp tục làm thủ công, tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục và giải quyết thủ tục thì có thể xảy ra “tham nhũng vặt”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam có đủ sức làm CPĐT.

Thủ tướng cho biết, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi (đạt 10,7%). 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế cấp huyện.

Với những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam có nhiều doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn mạnh có đủ sức làm CPĐT. Những thành công của năm 2019 sẽ làm tiền đề quan trọng cho năm 2020 và những năm tiếp theo để thực hiện lộ trình xây dựng CPĐT tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, khả năng đột phá xây dựng CPĐT ở Việt Nam là rất cao, rút ngắn so với nhiều nước khác.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng CPĐT, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Như vậy, Việt Nam vẫn đứng ở mức thấp so với bình quân của thế giới và ASEAN.

Về các kiến nghị cụ thể được nêu ra tại Hội nghị, Thủ tướng đồng ý việc Ủy ban Quốc gia về CPĐT chỉ đạo thêm nội dung về thành phố thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số; không thành lập thêm các ban chỉ đạo mới. Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về CPĐT, thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và về dịch vụ CPĐT của các cơ quan Nhà nước.

Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng CPĐT, trong đó khâu yếu, thấp điểm nhất là cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ. Cùng với đó, nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”; các cơ sở sở dữ liệu về dân cư, đất đai, nền tảng tích hợp dữ liệu điện tử, nền tảng thanh toán điện tử còn nhiều vấn đề. Còn tình trạng để mất an toàn mạng ở trong các cơ quan trọng yếu. Hạ tầng điện toán đám mây ít được sử dụng, vẫn còn phổ biến tâm lý muốn đầu tư riêng biệt, vừa không đảm bảo chất lượng, vừa gây lãng phí.

Giải quyết bất cập này và định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng đề nghị cần tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Quan trọng hơn, việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho CPĐT. Trong năm 2020, phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định thay thế về công tác văn thư, Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân và năm 2020. “Chúng ta chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ”- Thủ tướng gợi mở.

Không để bộ máy phình ra

Để hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CPĐT, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh và lưu ý vai trò của người đứng đầu cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương. Nếu các hệ thống cơ sở dữ liệu truyền thông vượt quá phạm vi của bộ, ngành phải do bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì quản lý. Thủ tướng giao Bộ TT&TT làm cơ quan điều phối thống nhất về CPĐT, tổng hợp chiến lược, kế hoạch các dự án đầu tư, thuê công nghệ thông tin... tháo gỡ khó khăn kịp thời, lan tỏa kinh nghiệm tốt, kịp thời báo cáo các bất cập để xử lý. Tuyệt đối tránh để xảy ra một việc mà 2 cơ quan cùng điều phối về CPĐT.

Ngoài ra, xây dựng CPĐT phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. CPĐT phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí. Không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn.

Quang cảnh hội nghị.

Về bảo đảm nguồn tài chính cho CPĐT, Thủ tướng giao cho Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của CPĐT, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý I/2020. Bộ TT&TT cần xây dựng nền tảng để mọi người dân, mọi doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ CPĐT.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ đưa nội dung đào tạo CPĐT vào các chương trình đào tạo Học viện Hành chính Quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương hằng năm dành một tỷ lệ ngân sách của CPĐT cho công tác đào tạo.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, việc xây dựng CPĐT có nhiều chuyển biến tích cực. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến thời điểm này, đã có 9/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia (ngày 12/3/2019) đến ngày 10/02/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông này.

Bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ CPĐT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai CPĐT. Trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống.

Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/thu-tuong-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-yeu-to-con-nguoi-la-dau-tien-493566.html