Thủ tướng tương lai của Nhật Bản sẽ duy trì các chính sách thời Abe

Trong một cuộc bỏ phiếu khẩn ở quy mô hẹp, các đại biểu Đảng Dân chủ tự do cầm quyền Nhật Bản đã bỏ phiếu ủng hộ đa số cho ông Yoshihide Suga kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe.

Ông Yoshihide Suga khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách thời Shinzo Abe. Ảnh: AFP

Đảng Dân chủ tự do cầm quyền Nhật Bản hôm 14/9 đã bỏ phiếu tín nhiệm cao đối với ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các làm ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Suga, 71 tuổi, được kỳ vọng sẽ giúp nước Nhật vượt qua những thách thức kinh tế và chiến lược hiện nay.

Hai tuần sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố ông sẽ từ chức vì lý do sức khỏe, ông Suga đã đắc cử lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do với số phiếu áp đảo tại cuộc họp giữa các thành viên Quốc hội và các đại biểu đảng trong một khách sạn sang trọng ở trung tâm Tokyo.

Việc Đảng Dân chủ tự do đang nắm quyền kiểm soát Quốc hội giống như "kim bài" đảm bảo rằng ông Suga sẽ được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội trong tuần này.

"Vì lý do sức khỏe, Thủ tướng Abe đã phải từ chức giữa chừng. Tuy nhiên, chúng ta không thể để lại một khoảng trống chính trị khi đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 lan rộng", ông Suga nhấn mạnh trong bài phát biểu ngắn sau khi công bố kết quả bầu lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do.

"Tôi nhận thấy nhiệm vụ của mình là tiếp tục đẩy mạnh khuôn khổ mà Thủ tướng Abe thực hiện để chúng ta có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này", ông Sugar nói thêm.

Ông Suga trở thành người được tín nhiệm nhất để kế nhiệm ông Abe không lâu sau tuyên bố sẽ từ chức của Thủ tướng Shinzo Abe. Con đường tranh “ghế” thủ tướng của ông Suga rộng mở hơn bao giờ hết khi đối thủ nặng ký nhất là ông Taro Aso, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính và cũng là cựu Thủ tướng đã không ứng cử.

Theo New York Times, Aso là ông trùm chính trị sắc bén và đang kiểm soát một trong số các phe phái lớn trong Đảng Dân chủ tự do. Việc ông Aso quyết định nhường đường cho ông Suga đã làm dấy lên nghi ngại rằng động thái này là một phần trong những chuyện đổi chác để giúp ông có một số ảnh hưởng nhất định trong việc lựa chọn Nội các mới.

Vị thế dẫn đầu của ông Suga càng được củng cố khi Thư ký Đảng Dân chủ tự do, Toshihiro Nikai, cho biết ông sẽ vận dụng một điều khoản khẩn cấp trong điều lệ đảng để loại các thành viên không chức vụ trong đảng khỏi cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới. Việc áp dụng quy định này đã khiến danh sách đại biểu được tham gia bầu lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do bị thu hẹp còn lại các đại biểu Quốc hội và 3 đại diện từ mỗi tỉnh; đồng thời loại bỏ ông Shigeru Ishiba, một ứng cử viên đầy thách thức đối với ông Suga.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba là người từng có mức tín nhiệm cao nhất trong số các ứng cử viên đã tuyên bố tranh chức thủ tướng. Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Dân chủ tự do không tỏ ý ủng hộ ông Ishiba vì những lời chỉ trích của ông về các chính sách của Thủ tướng Abe. Trước đó, ông Abe đã đánh bại Ishiba trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do năm 2012.

Theo Shigenobu Tamura, một cựu thành viên Đảng Dân chủ tự do và là nhà phân tích chính trị, bản thân ông Suga không họp kín với bất kỳ phe phái cụ thể nào, nhưng việc ông ứng cử "ghế" thủ tướng lại được hưởng lợi khi nhiều thành viên Đảng Dân chủ tự do ác cảm đối với ông Ishiba còn các ứng viên khác có số phiếu ủng hộ rất thấp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông Suga được tự do làm theo ý mình. "Mọi người đều ủng hộ ông ấy, vì vậy ông ấy sẽ phải xem xét cách trả nợ cho họ", ông Tamura nói.

Phát biểu trước báo giới sau khi đắc cử lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do, ông Suga bác bỏ suy đoán rằng chiến thắng của ông là kết quả của quá trình thỏa thuận. Thay vào đó ông Suga cho rằng phẩm chất khiêm nhường và kinh nghiệm lâu năm trong chính phủ là nguyên nhân thắng lợi.

Ông Suga giữ chức Chánh văn phòng Nội các dưới thời ông Abe trong gần 8 năm, một vị trí kết hợp quyền lực của Chánh văn phòng với sức ảnh hưởng đến công chúng trong vai trò người phát ngôn hàng đầu của Nhật Bản. Ở hậu trường, Suga là nhân vật chủ chốt kiến tạo và thực hiện chính sách quốc gia của chính quyền Abe.

Với vai trò Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga sẽ phải nhập cuộc cấp tốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế Nhật Bản, "thổi bay" những thành quả tăng trưởng dưới thời ông Abe. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên.

Atsuo Ito, một nhà phân tích chính trị độc lập, nhận định, trong nhiệm kỳ ngắn này, ông Suga có thể sẽ dốc sức giải quyết các vấn đề kinh tế của nước Nhật. Cho nên,vẫn chưa rõ liệu ông Suga sẽ theo đuổi các chính sách an ninh của người tiền nhiệm ra sao, chẳng hạn như việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hòa hiếu của Nhật Bản.

Việc lựa chọn ông Suga làm lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do được kỳ vọng xoa dịu lo ngại của công chúng Nhật Bản về sự ổn định chính trị kéo dài thời kỳ Abe có thể sụp đổ. Trước khi ông Abe đắc cử năm 2012, nước Nhật đã trải qua 6 đời thủ tướng trong vòng 6 năm.

Ông Suga khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của ông Abe mà hầu như không thay đổi. Điều này có nghĩa, về kinh tế, Nhật Bản sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, kích thích tài khóa và đại tu lại hệ thống hành chính xơ cứng và các tập đoàn của Nhật Bản.

Dư luận Nhật Bản trước đó chỉ trích gay gắt việc Thủ tướng Abe áp dụng các biện pháp cứng rắn đối phó với đại dịch Covid-19; đồng thời cho rằng chính phủ nước này lẽ ra nên nới lỏng các biện pháp chống dịch khi số ca nhiễm bệnh vẫn tương đối thấp.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-tuong-tuong-lai-cua-nhat-ban-se-duy-tri-cac-chinh-sach-thoi-abe-d129544.html