Thủ tướng trình Quốc hội cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới

Chiều ngày 26/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ với 27 người...

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới chiều 26/7 - Ảnh: Quochoi.vn

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới có 27 thành viên, gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

4 Phó Thủ tướng Chính phủ dự kiến được phân công chỉ đạo các lĩnh vực: Ngoại giao và hội nhập quốc tế, xây dựng pháp luật, tổ chức bộ máy, tôn giáo, dân tộc; Kinh tế tổng hợp và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kinh tế ngành; Khoa giáo - Văn xã.

18 Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế.

4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Như vậy, cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới giữ nguyên như cơ cấu nhân sự sau khi được kiện toàn tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa 14 hồi tháng 4 theo phương án nhân sự của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Trước khi được kiện toàn, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 có 5 Phó Thủ tướng (trong đó có 1 Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).

Thẩm tra Tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 15 (2021-2026) đã được Chính phủ khóa 14 chuẩn bị kỹ lưỡng.

"Tờ trình của Chính phủ đã đánh giá khách quan, toàn diện về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 14, nêu rõ những kết quả đạt được, xác định những tồn tại, hạn chế, căn cứ vào các văn kiện của Đảng, nhất là văn kiện Đại hội 13 và các nghị quyết có liên quan của Quốc hội. Từ đó, xác định quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý và phù hợp với yêu cầu thực tế. Vì vậy, các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Theo Ủy ban Pháp luật, việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa 14, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng việc thực hiện cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những việc phân công, phối hợp chưa thật rõ, hợp lý về thẩm quyền và trách nhiệm; việc tinh gọn bộ máy còn hạn chế do sự thiếu quyết liệt ở một số cơ quan; và công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới cần quan tâm, xác định rõ trách nhiệm, đề ra giải pháp hiệu quả và kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên.

Quang Trung -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thu-tuong-trinh-quoc-hoi-co-cau-so-luong-thanh-vien-chinh-phu-nhiem-ky-moi.htm