Cải thiện môi trường kinh doanh bằng các nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể

Chính phủ xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02 của Chỉnh phủ năm 2020 và Dự thảo Nghị quyết 02/2021 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Từ năm 2014, năm nào Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể những năm đầu là Nghị quyết 19 và từ năm 2019 là Nghị quyết 02 với các mục tiêu, giải pháp ngày càng cụ thể, bám sát vào các bộ chỉ số của các cơ quan thuộc hệ thống của LHQ và tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới...

Năm 2020, có 57,5% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi. (Ảnh minh họa)

Năm 2020, có 57,5% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi. (Ảnh minh họa)

Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02 không hề giảm, thậm chí nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn như dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Cộng đồng doanh nghiệp trong nước ghi nhận tích cực những kết quả, tiến bộ trong thực hiện nghị quyết này.

Kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 81,3% doanh nghiệp cho biết "cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả" (tỷ lệ này năm 2016 là 67,4%); 73,6% doanh nghiệp nhận thấy "cán bộ nhà nước thân thiện" trong quá trình giải quyết thủ tục (năm 2016 chỉ là 59%); 57,5% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi (năm 2017 là 51,7%)...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, dự thảo Nghị quyết 02/2021 đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác. Đó là 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm lĩnh vực: Cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề. Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo.

Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém, hạn chế trong việc kết nối, phối hợp giữa các cơ quan; làm rõ hơn vai trò cơ quan đầu mối cho từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu; phân định và quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho từng cơ quan.

“Tập trung chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 749 đồng bộ với việc thực hiện cải cách hành chính, đảm bảo thiết thực hiệu quả gắn với các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng với nền sản xuất mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có chiến lược kế hoạch trung dài hạn với mục tiêu rõ ràng, bước đi cụ thể kiên trì- để tạo chuyển biến vững chắc đối với các tiêu chí có tính chất nền tảng như về bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều về phát triển kinh tế xã hội văn hóa vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid 19”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-bang-cac-nhom-chi-tieu-tieu-chi-cu-the-828119.vov