Thủ tướng Thái Lan yêu cầu cân nhắc lợi ích quốc gia khi thu hút đầu tư nước ngoài

Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan Duangjai Asawachintachit cho biết cơ quan này đặt mục tiêu thu hút được 750 tỷ baht (24 tỷ USD) đầu tư trong năm nay.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat cho biết, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với các cơ quan nhà nước phải đặt lợi ích quốc gia lên trước khi cân nhắc những khích lệ và đặc quyền để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo truyền thông sở tại ngày 2/9, bà Narumon nói rằng sau khi Bộ trưởng Công nghiệp Suriya Jungrungreangkit trình lên Thủ tướng Prayut một báo cáo về kết quả chuyến đi Việt Nam của ông để gặp các định chế tài chính do Thái Lan sở hữu và các nhà đầu tư Thái Lan ở đó.

Theo bà Narumon, các nhà đầu tư đã cho thấy họ tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của Thái Lan, sau khi một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tiến triển và Chính phủ đưa ra gói kích thích trị giá 316 tỷ baht (hơn 10,3 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, bà Narumon cho biết, Thủ tướng Prayut đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt các lợi ích của đất nước lên hàng đầu khi trao những khuyến khích và đặc quyền cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Prayut muốn những biện pháp đó phải được soạn thảo theo một cách thức mà sẽ dẫn đến việc phân phối thu nhập để hỗ trợ kinh tế của người dân, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp.

Cuối tháng Tám vừa qua, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak đã chỉ đạo Ủy ban Đầu tư (BoI) đưa ra các gói khuyến khích mới nhằm vào những công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và mong muốn di chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Thái Lan.

Theo ông Somkid, những gói khuyến khích mới cần được soạn thảo đặc biệt nhằm phù hợp với những yêu cầu cụ thể của các nhà đầu tư từ những nước khác nhau.

Tổng thư ký BoI Duangjai Asawachintachit cho biết cơ quan này đặt mục tiêu thu hút được 750 tỷ baht (24 tỷ USD) đầu tư trong năm nay, trong đó chú trọng vào các công ty mong muốn di chuyển các cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana thừa nhận kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, do căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chính sách thuế được hai bên áp dụng. Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, nước này có dự trữ ngoại tệ dồi dào và tình hình tài khóa vững chắc. Tuy nhiên, chỉ có sức mạnh trong nền kinh tế thì chưa đủ, nước này cần phải có chiến lược.

Trong quý II/2019, kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi dấu mức tăng chậm nhất kể từ quý III/2014 và thấp hơn mức tăng 2,8% trong quý I/2019. Trong sáu tháng đầu năm nay, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh thuộc Đại học Rangsit, Phó giáo sư Anusorn Tamajai nhận xét nền kinh tế Thái Lan tiếp tục phải đối mặt với những yếu tố khó khăn.

Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã trở nên mạnh hơn và đang ảnh hưởng tới các sản phẩm tiêu dùng. Theo ông Anusorn, hiện có những lo ngại về việc làm trong khu vực xuất khẩu của Thái Lan, cũng như tác động đối với những đối tác thương mại của Thái Lan dựa nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc.

Những đối tác thương mại như vậy của Thái Lan, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Australia, đang đặt hàng ít sản phẩm trung gian và nguyên liệu thô hơn từ Thái Lan. Những nước này chiếm tới 25-26% tổng giá trị xuất khẩu của Thái Lan.

Ngoài ra, năng suất trong khu vực nông nghiệp sẽ tiếp tục giảm sút trong nửa cuối năm nay, do lũ lụt gây ra bởi cơn bão Podul. Ông Anusorn cho biết năng suất nông nghiệp đã giảm 1,1% trong quý II/2019 và lũ lụt sẽ làm tăng giá nông sản và thực phẩm trong phần còn lại của năm 2019.

Liên quan đến tình hình thiên tai, mới đây, Nội các Thái Lan đã thông qua một khoản ngân sách trị giá 15,8 tỷ baht (hơn 516 triệu USD) do Bộ Nội vụ và Cục Ngân sách đề xuất để giải quyết các vấn đề hạn hán và lũ lụt tại 76 tỉnh nước này.

Trong đó 74 tỉnh sẽ nhận được 200 triệu baht mỗi tỉnh và hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán là Surin và Buri Ram ở vùng Đông Bắc sẽ nhận được 500 triệu baht mỗi tỉnh.

Tiếp theo việc thông qua ngân sách, các tỉnh phải trình lên các kế hoạch quản lý hạn hán và lũ lụt trước ngày 30/9, đồng thời phải đảm bảo rằng những kế hoạch này không vấp phải phản đối từ công chúng và có thể được thực hiện nhanh chóng.

Trước đó, Văn phòng Tài nguyên Nước Quốc gia (ONWR) cho biết sẽ yêu cầu một khoản ngân sách trị giá 180 tỷ baht cho việc thực hiện các dự án phòng chống hạn hán trong năm tài khóa 2020.

Theo Tổng thư ký ONWR Somkiart Prajamwong, đề xuất về ngân sách này đã được trình lên Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan trong một cuộc họp bàn về các biện pháp đối phó với hạn hán.

Theo ông Somkiart, các cơ quan chính phủ đã đề xuất 17.283 dự án với tổng kinh phí yêu cầu được phân bổ trong năm tài khóa 2020 là 173 tỷ baht. ONWR đề nghị con số này ở mức 180 tỷ baht, vì cơ quan này dự kiến sẽ dành 7 tỷ baht cho một quỹ dự phòng trung ương.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 1/3 đến 11/8/2019, Thái Lan đã điều động 4.214 chuyến bay tạo mưa nhân tạo tại các tỉnh vùng Đông Bắc của nước này./.

Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thu-tuong-thai-lan-yeu-cau-can-nhac-loi-ich-quoc-gia-khi-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai/133030.html