Thủ tướng Thái Lan dùng 'chiêu' gì ứng phó làn sóng biểu tình?

Cuộc biểu tình đòi cải cách chế độ quân chủ và yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức đã tiếp diễn tại Thái Lan trong vài tháng qua.

Mới đây, ngày 14/10, hàng chục nghìn người đã tham gia vào cuộc biểu tình ở Bangkok. Họ tụ tập phản đối bên ngoài văn phòng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và cản trở đoàn xe của Hoàng gia Thái Lan. (Nguồn ảnh: Reuters)

Mới đây, ngày 14/10, hàng chục nghìn người đã tham gia vào cuộc biểu tình ở Bangkok. Họ tụ tập phản đối bên ngoài văn phòng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và cản trở đoàn xe của Hoàng gia Thái Lan. (Nguồn ảnh: Reuters)

Trước tình hình trên, chính phủ Thái Lan đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok. Theo đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha "tuyên bố tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng", có hiệu lực từ 4h sáng 15/10 (giờ địa phương).

Sắc lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên và cho phép bắt giữ bất cứ ai vi phạm. Gần như ngay sau đó, cảnh sát chống bạo động đã giải tán hàng nghìn người biểu tình tập trung sáng 15/10 trước văn phòng Thủ tướng và bắt giữ 22 nhà hoạt động. Nhiều người biểu tình quyết định rời khỏi địa điểm.

Trong một thông báo được phát trên truyền hình nhà nước rạng sáng 15/10, chính phủ Thái Lan nói các biện pháp khẩn cấp là cần thiết để "duy trì hòa bình và trật tự".

Tới sáng sớm cùng ngày, hàng trăm nhân viên an ninh đã nắm quyền kiểm soát các tuyến phố lân cận, trong khi các lao công làm công tác vệ sinh, dọn dẹp.

Được biết, đây không phải là cuộc biểu tình đầu tiên trong năm nay mà chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Prayut phải đối mặt.

Trên thực tế, phong trào biểu tình đã diễn ra trong ba tháng qua, được xem là thách thức lớn nhất với hoàng gia và chính phủ Thái Lan kể từ cuộc đảo chính năm 2014.

Người biểu tình kêu gọi chính phủ từ chức, sửa đổi hiến pháp và giảm bớt quyền lực của nhà vua.

Trong đợt biểu tình hồi đầu tháng 8/2020, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã phải lên tiếng "cầu xin" những người biểu tình do sinh viên dẫn đầu "không gây hỗn loạn" sau khi họ công khai đòi cải cách hiến pháp.

Thủ tướng Prayuth khi đó hứa rằng Quốc hội sẽ xem xét các yêu cầu cải cách hiến pháp của người biểu tình.

"Tôi cầu xin mọi người đừng gây ra hỗn loạn vào lúc này. Chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề này cùng nhau", ông Prayuth nói với các phóng viên sau cuộc họp nội các ngày 4/8.

Theo Reuters, Thủ tướng Prayuth muốn theo đuổi đối thoại với người biểu tình, tránh sử dụng vũ lực. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từng cảnh báo hồi tháng 9/2020 rằng, Thái Lan sẽ mất cơ hội tiến lên nếu các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài. Nhà lãnh đạo Thái Lan cũng kêu gọi người dân đoàn kết để chấm dứt cuộc khủng hoảng COVID-19.

Mời độc giả xem thêm video: Bên trong căn cứ của người biểu tình ở Thái Lan trước đây (Nguồn video: VTV)

Thiên An (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/thu-tuong-thai-lan-dung-chieu-gi-ung-pho-lan-song-bieu-tinh-1448151.html