Thủ tướng: Tăng lương công chức chống tham nhũng vặt

Trọn buổi chiều ngày 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhiều vấn đề nóng được ĐBQH và cử tri quan tâm.

Nâng lương cán bộ, công chức để chống tham nhũng vặt

Trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý nhận định ở thể chế nào, nhà nước nào cũng có tham nhũng. Đảng và Nhà nước coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng nên cả hệ thống chính trị mới cùng thống nhất chống tham nhũng, lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu.

Bên cạnh việc giáo dục cán bộ công chức, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thì các cơ quan Trung ương phải làm gương về vấn đề này. Theo Thủ tướng, cần tính toán việc nâng lương cho cán bộ công chức. Đây là việc cần thiết trong tình hình tham nhũng vặt đang diễn ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn. Ảnh: VnEconomy

Một giải pháp cụ thể như ứng dụng công nghệ để nộp thuế, giải quyết thủ tục hải quan điện tử để ngăn việc tiếp xúc của cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp, theo Thủ tướng, là một cách để chống tham nhũng vặt.

Liên quan đến câu hỏi về tham nhũng và cờ bạc, một số vụ án xã hội quan tâm có bị chìm xuồng không, Thủ tướng nói: Có Tổng bí thư ở đây, tôi xin khẳng định Đảng và Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng, tiêu cực, cờ bạc, gian lận.

Chúng tôi cũng nói rằng không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng, chính vì vậy hệ thống hành pháp phải phối hợp chặt chẽ tư pháp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kịp thời để nhân dân yên tâm. Cần công khai kết quả trước Quốc hội, nhất là vụ án đã được xử.

Khắc phục tình trạng GDP đầu năm thấp, cuối năm cao vọt

Về chỉ số tăng trưởng qua các quý, Thủ tướng nhắc lại, công thức tính GDP của Việt Nam và thế giới có “tật chung” tháng 1 vẫn là tháng ăn chơi, từ từ, đủng đỉnh. Đến quý II, quý III mới đốc thúc thì kinh tế mới đi lên. Sau quý I vừa qua, tập thể Chính phủ rất lo lắng, sốt ruột nên phải tiến hành rà soát từng ngành hàng, lĩnh vực để đốc thúc, chỉ đạo nên kết quả đã sốc lên được. Càng về các quý sau, kinh tế càng sôi nổi. Các khu vực kinh tế đều tăng rất cao. Nông nghiệp, năm nay lần đầu tiên đã xuất khẩu 35 tỷ USD. Ngành du lịch đến lúc này đã đón hơn 10 triệu khách quốc tế trong khi năm trước cả năm mới đạt được số này…

"Nhưng chúng ta cố gắng vẫn phải khắc phục tình trạng GDP đầu năm thấp, còn cuối năm thì cao vọt lên", Thủ tướng nói.

BOT phải đấu thầu công khai rộng rãi

Trả lời chất vấn của đại biểu về BOT, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xã hội hóa, huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng cho đất nước.

Trong những năm qua, lĩnh vực giao thông đã huy động được 210 nghìn tỷ đồng thông qua các dự án BOT.

Nhưng qua giám sát, kiểm toán kết luận về vấn đề này cho thấy, BOT giao thông còn nhiều bất cập, quy hoach chưa tốt, triển khai ồ ạt, có những tuyến đường gây bức xúc xã hội… Cơ chế, thể chế chính sách BOT còn nhiều bất cập, thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm xảy ra.

“Chính phủ đang rà soát để quyết liệt chấn chỉnh các hạn chế của BOT”, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BOT để triển khai tốt hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng cho biết.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, giá phí các dự án BOT, tổ chức đấu thầu công khai để nhiều nhà đầu tư tham gia.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/thu-tuong-tang-luong-cong-chuc-chong-tham-nhung-vat-3347375/