Thủ tướng: Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa (Báo Vĩnh Phúc)

Theo Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) theo hướng đưa các mục tiêu cắt giảm rào cản kinh doanh thực chất và có đo đếm định lượng các chỉ số; giao chỉ tiêu cho từng Bộ, ngành và địa phương mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành, năm 2020 phải cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình ASEAN 4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra.

Cùng với đó, năm 2020, phải giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng họ phải chi trả chi phí không chính thức dựa theo kết quả khảo sát PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đến năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.

Thủ tướng nhấn mạnh: các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội DN tích cực vận động DN thành viên phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức; tập hợp các kiến nghị, phản ánh của DN thành viên gửi Thanh tra Chính phủ; phát động trong các DN không đưa hối lộ cho mọi cán bộ công chức.

Xây dựng các công cụ, giải pháp hỗ trợ, bảo vệ DN thành viên sau khi họ tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức…

Cũng năm này, Chính phủ yêu cầu các chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Chỉ số Môi trường kinh doanh giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm việc cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng làm rõ khái niệm, nội hàm cụm từ "điều kiện kinh doanh" để làm cơ sở đánh giá, theo dõi hệ thống quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đảm bảo phân biệt rõ khái niệm điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật.

Bộ Tài chính đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện Một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN, 6 tháng định kỳ báo cáo Thủ tướng về tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ này khẩn trương thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối điện tử giữa trạm thu phí và cơ quan thuế.

Chính phủ cũng yêu cầu rà soát các hợp đồng BOT giao thông, đàm phán với nhà đầu tư để giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án do họ đầu tư và các tổ chức tín dụng tài trợ cho dự án trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên.

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thu-tuong-tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-nghiem-don-vi-ca-nhan-co-hanh-vi-nhung-nhieu-doanh-nghiep-20181114084643743.htm