Thủ tướng sẽ đối thoại với các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu

Lần đầu tiên, Chính phủ lắng nghe và đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu tại hội nghị 'Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu' do bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, sẽ diễn ra lúc 08 giờ ngày 8.8​​​​​​​ tới.

Gỗ Việt Nam tham gia triển lãm ở Vifa Expo. Ảnh: TL

Sáng 6.8, Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã có buổi gặp gỡ báo chí nhằm chia sẻ thông tin trước thềm Hội nghị của Chính phủ về Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu sẽ diễn ra ngày 8.8.2018. Sự kiện do chính Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng sự tham dự của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các cơ quan ban ngành…

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, đây là lần đầu tiên chính phủ trực tiếp lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp trong ngành nên Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích lớn cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.

Chỉ trong nửa năm ngành gỗ đã mang về 4.13 tỷ USD

Theo HAWA, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã và đang là ngành có đóng góp tích cực vào GDP của cả nước. Với lợi thế nguyên liệu rừng trồng, con người, kinh nghiệm lẫn chính sách, chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam từng bước viết lên những kỷ lục của riêng mình, kiến tạo nên hình ảnh ấn tượng về sự phát triển của doanh nghiệp gắn liền với khái niệm bền vững, phát triển phải đi liền với công cuộc bảo vệ môi trường.

Đại diện HAWA và WWF trả lời tại buổi họp báo. Hội nghị của Chính phủ về "Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu", do bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sẽ diễn ra lúc 08 giờ ngày 8.8 tới. Ảnh: Quý Hòa

Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, trog sáu tháng đầu năm 2018, doanh thu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đã đạt 4,13 tỷ USD (tăng 12,4 % so với cùng kỳ năm trước). Các doanh nghiệp chế biến gỗ đều thông báo những tín hiệu vui, đơn hàng đã kín từ nay đến hết 2018 khiến cộng đồng càng vững tin, mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm nay sẽ thành hiện thực, thậm chí là vượt xa. HAWA đánh giá, hơn 20 năm hình thành và phát triển, đây có lẽ là thời gian ngành có nhiều thành tựu đến mức, có thể khiến những người làm nghề phấn khởi và hừng hực quyết tâm phấn đấu.

Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cũng cho thấy, chỉ số phát triển toàn ngành chế biến gỗ Việt Nam luôn được duy trì ở mức từ 8 – 15%/năm. Nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch của ngành chỉ đạt 220 triệu USD, sau 17 năm (năm 2017), con số này đã là 8 tỷ USD, bình quân mỗi năm tăng trưởng hơn 440 triệu USD. Tương ứng với tốc độ tăng trưởng trên thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng rất ấn tượng. Đến nay ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có gần 100 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD đến 200 triệu USD/năm và tốc độ tăng trưởng hàng năm đều tăng từ 5-7% so với năm trước.

Trữ lượng gỗ rừng Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp

Phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam hiện có đến hơn 400.000 con người. Tính đến cuối năm 2017, toàn ngành đã sử dụng 419.565 lao động thường xuyên tại các nhà máy. Dự báo đến năm 2020, tổng sản phẩm của ngành khoảng 13,34 tỷ USD, năng suất bình quân khoảng 25.000 USD/người/năm. Thời điểm đó, toàn ngành sẽ sử dụng 533.720 lao động. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA cho biết, con người được xem là trung tâm của ngành. Nguồn nhân lực này với các tố chất đã được công nhận như tài hoa, chịu khó, thông minh, nhanh nhạy, thẩm mỹ cao... Đây chính là nhân tố làm nên giá trị cốt lõi của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt so với các đối thủ...

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững

Từ cuối năm 2014, Chính phủ quyết định đóng cửa rừng. Với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhu cầu cấp bách về nguyên liệu buộc ngành phải dùng hai giải pháp song song, đó là nhập khẩu nguyên liệu và trồng rừng để khai thác. Và chương trình 327-CT năm 1992 phủ xanh đồi trọc, trong đó có cây gỗ keo, là loại gỗ mà hiện nay Việt Nam chế biến nội thất xuất khẩu rất nhiều, đây là nguồn nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng. Cùng với đó, là cây cao su, sau thời gian khai thác mủ, cao su còn được dùng làm nguyên liệu cho sản xuất.

Tình hình nhập khẩu gỗ nguyên liệu năm 2017. Nguồn: Hải quan Việt Nam - Phân tích bởi: Vifores, HAWA, FPA, Forest Trends

Theo đánh giá của HAWA, nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ thực sự đã kích thích trồng rừng để đáp ứng nguồn gỗ hợp pháp cho sản xuất. Từ chương trình trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng từ 39,7% năm 2011 đã tăng lên 41,45% năm 2017. Con số này tương ứng với tỷ lệ sử dụng gỗ trồng trong nước, tính theo khối lượng, từ 36% năm 2005 tăng lên 52% năm 2017 và kỳ vọng 55% vào năm 2020.

Tỷ lệ nhập khẩu gỗ nguyên liệu vì thế đã giảm đi tương ứng, lần lượt từ 64% xuống 48% và 45%. Quan trọng hơn cả, nếu loại gỗ rừng trồng có vòng quay khai thác là 10 năm thì để 1 năm khai thác thì có 9 năm được phủ xanh. Rõ ràng việc khai thác sử dụng nguồn gỗ hợp pháp là quốc sách để bảo vệ rừng, phát triển nghề gỗ bằng gỗ rừng trồng là sự phát triển bền vững bảo vệ môi trường.

Cũng theo HAWA, nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì chúng ta nguồn nguyên liệu rẻ hơn so với việc nhập khẩu. Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia: Việt Nam là trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới. Niềm tự hào này, không phải quốc gia nào cũng có được.

Phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam hiện có đến hơn 400.000 con người. Theo lãnh đạo HAWA, nếu được đầu tư đổi mới công nghệ hợp lý, dự kiến đến năm 2025, số lao động mà ngành sẽ sử dụng lên đến gần 900 ngàn lao động. Ảnh: TL

Chuỗi giá trị liên kết ngày một nối dài thêm, không chỉ trồng rừng và chế biến các sản phẩm gỗ, giờ đây các lĩnh vực liên quan như thiết kế, đào tạo, thương mại, trang trí nội thất… đều đang trên đà phát triển. Tất cả đã sẵn sàng để hướng đến việc hình thành một ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững và nhân bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong cơ chế vận động của kinh tế toàn cầu, dẫu có nhiều lợi thế, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu vẫn đang cần một chiến lược toàn diện để phát triển nhanh hơn nữa.

Giám đốc Dự án WWF Việt Nam - ông Nguyễn Vũ - gợi ý một mô hình khá "sáng nước", đó là việc doanh nghiệp liên kết với địa phương và lâm dân để trồng rừng đã có những tín hiệu rất tích cực, không chỉ với riêng ngành công nghiệp chế biến gỗ. Thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế về môi trường đều quan sát, tài trợ rất nhiều cho các dự án trồng rừng, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học cho các vùng. Điều này chứng tỏ, chiến lược đầu tư trồng rừng nguyên liệu đang là giải pháp giúp ngành phát triển bền vững, tạo uy tín với cộng đồng thế giới cho đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó mà ngành chế biến gỗ, lâm sản phải đối mặt. Bởi, nếu phát triển rừng trồng mà thiếu đồng bộ các mắt xích khác trong chuỗi, mục tiêu đưa ngành gỗ phát triển nhanh hơn, cải thiện vị thế trong thời gian tới cũng khó thể hoàn thành.

“Doanh nghiệp ngành gỗ đang phát triển theo định hướng kinh tế phải gắn liền xã hội và môi trường. Ngành gỗ đang cố gắng đi nhanh nhưng không phát triển bằng mọi giá và tự phát”, ông Nguyễn Quốc Khanh khẳng định.

T.Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thu-tuong-se-doi-thoai-voi-cac-doanh-nghiep-nganh-che-bien-go-va-lam-san-xuat-khau-14784.html