Thủ tướng: Phép thử lớn nhất với hệ thống tín dụng là dịch Covid-19

Thủ tướng cho rằng, 6 tháng qua dù chịu tác động của dịch Covid-19, hệ thống tín dụng không chỉ trụ vững mà còn tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi, ổn định kinh tế, góp phần vào tăng trưởng dương của Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu hệ thống tín dụng cần thực hiện nhiệm vụ kép vừa đẩy mạnh cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, vừa hỗ trợ hiệu quả thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP

Chiều 27/7, Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng vừa tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, Đề án 1058 “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” cũng như đưa ra những định hướng, biện pháp giải quyết trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sau 3 năm thực hiện, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã chuyển biến rất tích cực, có bước tiến lớn cả về quy mô tài chính, chất lượng tín dụng.

Theo đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng được cải thiện rõ rệt như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng 5%. Đã xử lý được 557.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó các tổ chức tín dụng tự xử lý trên 76%. Tỉ lệ nợ xấu nội bản giảm còn 1,63%, nếu gồm cả nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn thì cũng chỉ còn 4,43% (giảm từ mức 10,08%).

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành và xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo được tích cực triển khai. Thoái vốn thu về đến 2,2 nghìn tỷ đồng. Tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng chi phối cơ bản được khắc phục.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội và Đề án 1058, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trong đó tổng tài sản chiếm 42,8% và cho vay chiếm đến 47,9% toàn hệ thống. Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô được cơ cấu lại, hoạt động lành mạnh, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Tinh thần chung nhất là phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm hiệu quả, an toàn hệ thống, an ninh tiền tệ tín dụng đồng thời thông qua tái cơ cấu để hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trước tác động của đại dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng, ngoài thực hiện nhiệm vụ kép như các ngành, lĩnh vực khác, hệ thống tín dụng cũng cần thực hiện nhiệm vụ kép rất đặc thù, đó là vừa đẩy mạnh cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, vừa hỗ trợ hiệu quả thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phép thử lớn nhất đối với hệ thống tín dụng là dịch Covid-19. Trong 6 tháng qua, hệ thống tín dụng không chỉ trụ vững mà còn tham gia nhanh, kịp thời vào sự phát triển ổn định kinh tế đất nước, đóng góp vào tăng trưởng dương của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Đề án 1058 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc như tăng vốn điều lệ, đặc biệt là các ngân hàng thương mại Nhà nước, tiến độ cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng chậm, thể chế còn một số bất cập…

Theo Thủ tướng nhiệm vụ đặt ra là phải vừa cơ cấu lại vừa xử lý nợ xấu, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng thời, yêu cầu lớn đặt ra là bảo đảm an toàn hệ thống, hạn chế tín dụng đen. Cần rà lại, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan nhất là về thi hành án, xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi tài sản, bảo đảm nhanh, thuận lợi, thúc đẩy xử lý nợ xấu và cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.

Trong quá trình xử lý yêu cầu bảo đảm lợi ích tổng thể và thu hồi tối đa tiền và tài sản, giảm thiểu thiệt hại, xử lý đúng mức, khôn khéo, có lý có tình với tinh thần chủ động khắc phục hậu quả, chặt chẽ, đúng pháp luật.

HOÀNG HÀ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//thoi-su/thu-tuong-phep-thu-lon-nhat-voi-he-thong-tin-dung-la-dich-covid-19-3549176.html