Thủ tướng: Phát triển bền vững không nhất thiết phải đánh đổi giữa chất lượng và tốc độ tăng trưởng

Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ ba trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển kinh tế- xã hội và môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra vào ngày 17/1

Cải cách về cơ cấu phải hướng đến cả trung và dài hạn

Đánh giá cao mức tăng trưởng Việt Nam đạt được trong năm qua, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận xét rằng, nhìn về tương lai cũng sẽ có những trở ngại cho triển vọng phát triển kinh tế. Vấn đề là quản lí kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần ứng phó trước nhiều thách thức hơn trong năm nay để duy trì ổn định, đảm bảo khả năng chống chịu trước biến động bên ngoài.

Với tăng trưởng bền vững, ông Eric Sidgwick cho rằng điều đó sẽ không đạt được nếu chỉ phát triển theo bề rộng mà bỏ qua các tiêu chí về phát triển theo chiều sâu như môi trường, cân bằng xã hội...

Ông Eric Sidgwick đánh giá, qua từng năm Việt Nam đã tiến lên từ một nước đang phát triển thành quốc gia có thu nhập trung bình. Cải cách về cơ cấu phải hướng đến cả trung và dài hạn. Quá trình này có thể phải hứng chịu đau đớn, có thăng trầm nhưng là điều buộc phải làm để đảm bảo tăng trưởng bền vững, không bị tác động bất lợi của các cú sốc bên ngoài.

3 đột phá về thể chế, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực

Khi được hỏi về “Nền tảng, điểm tựa thực sự cho phát triển bền vững?”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện chủ trương đó, trong suốt thời gian qua, chúng ta xác định ba đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra bao gồm đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng cơ sở và đột phá về nguồn nhân lực.

Nhờ xác định chủ trương và nêu rõ đột phá trong quá trình phát triển đất nước ta trong 30 năm đổi mới và phát triển vừa qua đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Đến nay, có thể nói rằng 3 đột phá chiến lược đó còn nguyên giá trị. Tuy nhiên mỗi một giai đoạn phát triển, trong nội hàm của 3 đột phá chiến lược này sẽ phải có trọng tâm, trọng điểm khác nhau.

Nhấn mạnh đến đột phá thể chế, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, thế giới hiện đại là một thế giới phẳng, quốc gia này hơn quốc gia kia không phải ở lực lượng vật chất mà ở thể chế. Các nước cạnh tranh với nhau là để có môi trường thể chế tốt nhất, có sức cạnh tranh nhất.

“Có thể chế tốt sẽ có nhà đầu tư. Có thể chế tốt sẽ huy động được nguồn lực, không chỉ nguồn lực trong nước. Có thể chế tốt sẽ có khoa học công nghệ. Tất cả yếu tố cơ bản cho phát triển triển nhanh và bền vững sẽ có cơ hội để hội tụ. Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta cần đột phá thể chế gì?”, ông Bình đặt vấn đề.

Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện thể chế tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn để thu hút các nguồn lực như chúng ta đã làm từ trước đến nay và phải làm tốt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của các hiệp đinh thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã ký, đang ký và sẽ ký trong thời gian tới.

Tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững

Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ ba trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế - xã hội và môi trường. "Trong một hội nghị gần đây tôi gọi đó là nguyên tắc 3 trong 1 của sự phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Chúng ta phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau, dù là miền xuôi hay miền ngược, nông thôn, thành thị, biên giới hải đảo..”, Thủ tướng khẳng định.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng: "Chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã trở thành quyết tâm hành động của Việt Nam bởi tiềm năng của chúng tôi còn rất lớn. Quan trọng hơn cả là gần 100 triệu người dân Việt Nam, bao gồm cả đồng bào trong nước cũng như ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng"

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/thu-tuong-phat-trien-ben-vung-khong-nhat-thiet-phai-danh-doi-giua-chat-luong-va-toc-do-tang-truong-3489770.html