Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Sáng 4/1, tại thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều vị lãnh đạo cấp cao dự lễ khởi công dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đối với ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ phát lệnh khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ phát lệnh khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

“Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, TP.HCM - Trung Lương đã đưa vào sử dụng. Hôm nay, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được thông xe kỹ thuật… Chính vì vậy, kết nối Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa phát huy toàn bộ công trình”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, sẽ triển khai hàng loạt dự án kết nối giao thông ĐBSCL, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 20 triệu người dân trong vùng.

Ngay trong năm nay, Bộ GTVT sẽ triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, dự án khả thi để tiếp tục khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong thời gian tới, sẽ triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển của các tỉnh ĐBSCL với chiều dài khoảng 400km.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham dự buổi lễ.

Theo Thủ tướng, trong thời gian ngắn vừa qua, nhất là năm 2020, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã bố trí nhiều nguồn lực để triển khai hiệu quả những công trình có ý nghĩa.

Cụ thể, khánh thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài trên 51km, thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hoàn thành sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), sẽ khánh thành cầu Cửa Hội kết nối Nghệ An - Hà Tĩnh, khởi công sân bay Long Thành vào sáng mai (5/1)… 6 trên 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam đã được khởi công xây dựng với khối lượng lớn.

Cùng với đó, các tuyến đường sắt nội đô của TP.HCM và Hà Nội, đặc biệt đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ khánh thành trong những ngày tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

“Tôi đã yêu cầu Bộ GTVT sớm khởi công tuyến tránh Long Xuyên (tỉnh An Giang) với số vốn gần 1.500 tỷ đồng”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng khẳng định: "Nhiều công trình quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông cả nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL đã được triển khai có hiệu quả trong giai đoạn này. Điều đáng nói là chúng ta chuyển từ hình thức đầu tư BOT sang hình thức đầu tư công (PPP), nhằm giảm chi phí cho ĐBSCL, nhất là các sản phẩm xuất khẩu có lưu lượng lớn đi qua tuyến đường quan trọng này".

Thủ tướng yêu cầu công trình phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, không để tình trạng làm trước, hỏng sau

Không để tình trạng chất lượng công trình kém

Thủ tướng cho rằng việc triển khai các dự án giao thông là một cố gắng rất lớn thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL.

Để đáp ứng yêu cầu, sự ngóng trông của 13 tỉnh, thành ĐBSCL với trên 20 triệu dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ GTVT, chủ đầu tư, đặc biệt đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, không để tình trạng làm trước hỏng sau, chất lượng kém.

Thủ tướng hoan nghênh hai tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp đã cam kết giải phóng sớm mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư ngay sau khi dự án khởi công.

Thủ tướng đề nghị hai tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp ổn định đời sống người dân đã di dời, nhường đất cho dự án.

Thủ tướng mong muốn người dân có đất mà tuyến đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đi qua ảnh hưởng tới đời sống, nhưng vì quyền lợi của đất nước ủng hộ chủ trương, sớm bàn giao mặt bằng để thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cam kết bàn giao mặt bằng.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các tỉnh ĐBSCL vận dụng tốt nhất Nghị quyết 120, trước hết là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thực thi tốt nhất các biện pháp chống chịu thiên tai, hạn mặn. Cùng với công trình này, các địa phương phải chuẩn bị ngay để khởi công đường ven biển.

Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ nằm trong tổng thể trục đường cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ, và là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, đoạn TP HCM - Trung Lương đã được sử dụng từ tháng 2/2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đầu tư theo hình thức BOT, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021, cầu Mỹ Thuận 2 đang được đầu tư xây dựng bằng vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2023.

Do đó, việc đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ theo quy hoạch đã phê duyệt là hết sức cần thiết và cấp bách.

Việc đầu tư xây dựng ngay đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến QL1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung; giảm thiểu tai nạn giao thông trên QL1; từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng công ty ĐTPT&QLDA Hạ tầng giao thông Cửu Long được giao là đơn vị quản lý dự án.

Dự án dài khoảng 22,97Km, đi qua các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp. Điểm đầu dự án thuộc địa phận phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long và điểm cuối tại nút giao Chà Và kết nối QL1 hiện hữu, thuộc xã Thuận An, TX Bình Minh.

Dự án có tổng vốn hơn 4.826 tỷ đồng.

Hoài Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-phat-lenh-khoi-cong-cao-toc-my-thuan-can-tho-702720.html