Thủ tướng Phan Văn Khải: Người luôn trăn trở vì đất nước

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từ trần ngày 17/3/2018 tại quê nhà Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng trong chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế của đất nước.Trong thời gian 9 năm trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế và đối ngoại của Việt Nam. Báo Thế Giới & Việt Nam xin trân trọng trích giới thiệu một số chia sẻ về ông liên quan đến hoạt động đối ngoại.

Đốc công cho Mở cửa và hội nhập

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người gắn bó mật thiết với Thủ tướng Phan Văn Khải hơn 2 thập kỷ, cho biết:

“Gánh trên vai những trọng trách kinh tế - xã hội - chính trị trong nước lẫn các hoạt động đối ngoại, anh Sáu Khải đã để lại rất nhiều di sản. Về đối nội, anh Khải là một nhà thiết kế, một người đốc công cho công cuộc đổi mới và mở cửa với thế giới. Anh Khải có công rất lớn trong việc giữ cho con thuyền kinh tế Việt Nam không bị chòng chành trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997...

Mở cửa hội nhập với thế giới là tư tưởng anh Khải quán triệt và anh không do dự gì trong việc thực hiện chủ trương này. Có hai câu chuyện về đối ngoại mà tôi nhớ nhất về anh Sáu Khải đó là việc anh Khải xử lý khéo léo chuyện kết nạp Campuchia vào ASEAN năm 1998, khi nước ta là chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN. Đây là một câu chuyện phức tạp vì chỉ một năm trước đó, Campuchia nổ ra khủng hoảng chính trị khiến các nước ASEAN đắn đo về việc kết nạp Campuchia. Anh Khải đã dung hòa hai bên bằng cách đưa ra sáng kiến đồng ý về mặt nguyên tắc kết nạp Campuchia, rồi tổ chức lễ kết nạp sau. Sáng kiến này rất linh hoạt, góp phần tháo gỡ bế tắc và mở đường cho Campuchia gia nhập ASEAN năm 1999.

Chuyện thứ hai là đàm phán ký Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA). Dù nội dung hiệp định về cơ bản đã hoàn tất, nhưng đến giờ chót có một vài ý kiến chưa yên tâm về nội dung, phía ta đã đề nghị trao đổi thêm và ký vào một thời gian thích hợp. Khi tôi được điều qua Bộ Thương mại, điều đầu tiên anh Khải nói với tôi là: Vũ Khoan làm sao để kết thúc đàm phán BTA đi rồi ký kết”. Sau đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Khải, điểm khác biệt đã được giải quyết và BTA được ký kết vào tháng 7/2000. Tương tự như vậy về đàm phán gia nhập WTO, anh Khải cũng chỉ đạo trực tiếp và đi đến thỏa thuận cuối cùng vào năm 2006.

Nhà lãnh đạo kỹ trị và am hiểu kinh tế

Ông Lê Bàng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - Lê Bàng chia sẻ:

Qua nhiều lần tiếp xúc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi cảm nhận ông là người đi đầu trong đổi mới và mở cửa kinh tế nhằm phục vụ đất nước. Năm 1990, chúng tôi nhận được thông báo Quỹ Ford của Mỹ muốn tài trợ cho hai đoàn đại biểu của Việt Nam đi thăm các nước Đông Nam Á để tìm hiểu về các vấn đề phát triển kinh tế. Lúc đó, không phải ai cũng dám nhận tài trợ của Quỹ Ford.

Tôi trình đề xuất lên anh Sáu Khải khi đó là chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Anh Khải đã chấp nhận cử hai đoàn đi Thái Lan và Singapore do anh dẫn đầu.

Năm 1993, Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải thăm Liên hợp quốc và thăm Mỹ. Chuyến thăm đã tạo ra sức đẩy rất mạnh trong quan hệ Việt - Mỹ. Anh Khải khi đó còn đến thăm trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) và đại học Harvard. Tôi nhớ đó là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo ta và lãnh đạo WB. Dù hai bên đã tiếp xúc vài lần trước đó, nhưng cuộc gặp chính thức tại Mỹ có ý nghĩa quan trọng để WB quyết định cho ta vay tiền xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Với tôi, nói anh Khải là một nhà lãnh đạo kỹ trị vẫn là hơi hẹp. Đó là một người lãnh đạo rất có kiến thức về kinh tế.

Chuyến thăm lịch sử tới Mỹ năm 2005

Đại sứ guyễn Tâm Chiến.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - Nguyễn Tâm Chiến:

Thủ tướng Phan Văn Khải đã kịp thời nắm bắt những cơ hội và cả những phức tạp của thời cuộc lúc đó, để đi đến các quyết định về đối ngoại, hội nhập vì phát triển và an ninh của đất nước.

Nếu như chuyến thăm Việt Nam năm 2000 của ông Clinton đánh dấu việc kết thúc thời kỳ thù địch giữa hai nước, mở đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, thì chuyến thăm Mỹ năm 2005 của Thủ tướng Khải đã đặt quan hệ hai nước “lên đường ray hợp tác và lòng tin”... Trong thời gian ở thăm Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có một lịch trình hoạt động dày đặc, có ngày lên tới 20 sự kiện, lại thay đổi múi giờ rất lớn so với Việt Nam. Thật sự thì có lúc, Thủ tướng rất mệt nhưng ông phải cố gắng. Trong lúc đang thực hiện công việc quan trọng nhưng cá nhân con người Thủ tướng vẫn luôn là một nhà lãnh đạo điềm đạm, chân thành.

Sự chân thành lay động lòng người

Đại sứ Phạm Sanh Châu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu – người có gần 10 năm làm phiên dịch cho Thủ tướng Phan Văn Khải.

“Làm sao quên được cuộc nói chuyện giữa ông và Tổng thống Bill Clinton thân mật gần gũi và đầy cảm thông chia sẻ, mặc dù đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi Việt Nam thống nhất. Sự chân thành của ông đã lay động được Tổng thống Clinton khiến Tổng thống quyết tâm thực hiện chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên đến Việt Nam một năm sau đó…

Vẫn còn đó khao khát cháy bỏng của ông mong muốn Việt Nam phát triển và xã hội bình yên như các nước Bắc Âu, khi ông tận tâm học từng mô hình phát triển ở những nước mà theo ông rất “xã hội chủ nghĩa” và mình phải học “từng chút của người ta”. Những nhà ngoại giao như chúng tôi sẽ nhớ mãi lời ông căn dặn nhân chuyến thăm Áo: “Tụi bây ở bên này phải cố làm gì có ích thiết thực cho đất nước chứ không thì phí thời gian và tiền bạc của nhân dân”.

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (25/12/1933 - 17/3/2018) là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới - phát triển đất nước; là người tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa và hội nhập quốc tế.

Về đối ngoại, một trong những dấu ấn lớn trong 2 nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải là việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với chuyến công du lịch sử đến Mỹ (từ 20 đến 25/6/2005). Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ năm 1975. Chuyến thăm đúng dịp kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã mở ra một chương mới trong quan hệ Việt – Mỹ, đưa hai quốc gia ngày càng lại gần nhau hơn trên mọi lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, đặc biệt là việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện ngày 25/7/2013.

Ngày 16/6/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có bài phát biểu cuối cùng trước Quốc hội, bày tỏ mong muốn từ nhiệm sớm 1 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 do tuổi cao. Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu: “Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công diễn ra có phần tệ hại hơn mấy năm qua. Trước những việc như vậy, có phần trách nhiệm của các bộ có trách nhiệm, của Chính phủ, của cá nhân tôi là người đứng đầu. Tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân”.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Đức TRÍ

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thu-tuong-phan-van-khai-nguoi-luon-tran-tro-vi-dat-nuoc-68140.html