Thủ tướng: Phấn đấu không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu, tiếp tục cán mốc trên 500 tỷ USD

Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu không giảm chỉ tiêu tăng trưởng về xuất nhập khẩu, giữ cán cân thương mại xuất siêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

“Khó khăn gấp đôi, phấn đấu gấp ba”

Sau cả ngày lắng nghe ý kiến của các bộ, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện nghị quyết sau hội nghị, với tinh thần việc cấp bách phải làm ngay, làm sớm, làm tốt, nâng cao trách nhiệm.

Cùng với đó, tổng kết các ý kiến đánh giá, Thủ tướng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội trong nước nổi bật là về: kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ vững mục tiêu kép, nâng niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp cũng như nâng cao uy tín của Việt Nam với quốc tế.

“Chúng ta tăng trưởng thấp nhưng vẫn ở mức cao nhất khu vực châu Á, trong nhóm dẫn đầu thế giới. Các đồng chí từ trung ương đến địa phương đã có rất nhiều cố gắng, nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch, bộ trưởng… đã phải lăn lộn làm ngày đêm, áp dụng nhanh công nghệ 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nền kinh tế nhiều khu vực ở mức âm rất sâu, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ dịch bệnh, nhưng đồng thời nắm bắt cơ hội để Chính phủ có đối sách kịp thời, trên tinh thần vừa phòng thủ chống bệnh, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế.

Vì vậy, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế trong khoảng 3-4%, theo Thủ tướng, như vậy là chúng ta vẫn tăng trưởng dương, niềm tin của người dân và doanh nghiệp còn rất cao, như Trung Quốc là bỏ luôn chỉ tiêu tăng trưởng, nên mục tiêu này là có sự phấn đấu quyết liệt.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo các đia phương phải có tinh thần “khó khăn gấp đôi, thì phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi”. Cả nước chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước. Các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn. Từng bộ, từng địa phương thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để thường xuyên tháo gỡ, đôn đốc, nhất là vấn đề đầu tư công.

Chính sách tài khóa phải rõ nét hơn

Với những quan điểm nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên một số quan điểm, định hướng chỉ đạo cho những tháng còn lại của năm 2020.

Một là, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại, là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

Hai là giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, ưu tiên phát triển kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, bảo đảm đời sống nhân dân.

Ba là, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, chủ động hơn để kích thích tổng cầu, bảo đảm các cân đối lớn nền kinh tế, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Theo Thủ tướng, kiểm soát lạm phát dưới 4% nhưng không thắt chặt chính sách tiền tệ, tín dụng phải tăng ít nhất 10%, nợ công có thể nâng lên thêm 2-3% để chính sách tài khóa rõ nét hơn.

Bốn là, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế, nếu chúng ta để đứt gãy nền kinh tế sẽ gây hệ lụy khó lường trong trung và dài hạn.

Năm là, có cơ chế giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ nguồn lực tăng trưởng, giải ngân đầu tư công, FDI, tiêu dùng trong nước.

“Các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn phải là đầu tàu, nhất là TP HCM. Vì thế, Thành ủy TP HCM phải có quyết sách mạnh mẽ, tháo gỡ cho phát triển kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng chung. Nên vai trò của cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh vô cùng quan trọng”, Thủ tướng nêu rõ.

Sáu là, chú trọng chính sách, an ninh xã hội, đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập của nhân dân. Nên hệ thống tài chính quốc gia có thể bơm thêm tiền cho an sinh xã hội, không để ai quá khổ, quá khó khăn.

Bảy là, thực hiện tốt phòng chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững an ninh đối ngoại, phục vụ tổ chức tốt Đại hổi Đảng các cấp.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP

Chính phủ “ra tay” thúc giải ngân đầu tư công

Với những nhiệm vụ nêu trên, Chính phủ sẽ xem xét tình hình thế giới để mở cửa như thế nào, mở cửa đến đâu để đảm bảo an toàn cho đất nước.

Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng, lượng tiền rất lớn, gần 30 tỷ USD, 60% nằm ở địa phương, riêng vốn ODA chiếm 60.000 tỷ đồng, trong đó TP HCM chiếm 15.000 tỷ đông. Nên phải kịp thời giải quyết vướng mắc, quan trọng nhất là về giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bí thư, chủ tịch đia phương gọi vốn về phải tập trung chỉ đạo, đừng phó mặc cho cấp dưới thì sẽ gây chậm trễ. Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn 2019-2020.

“Chính phủ sẽ ra tay không để tình trạng trì trệ. Nếu chúng ta làm được thì % cho tăng trưởng GDP rất tốt. Nên giải ngân vốn đầu tư công sẽ là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành và địa phương. Không để tiếp tục tái diễn chậm trễ như một số năm trước. Nên các bộ, ngành, đia phương phải làm ngay các nhiệm vụ của mình”, Thủ tướng nói.

Về tiền tệ và tín dụng, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo về gia hạn, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này. Thủ tướng cũng đồng ý sửa ngay Quyết định 15 của Chính phủ về những điều kiện hết sức khó trong việc cho vay gói 16.000 tỷ trả lương cho người lao động.

Với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai ngay các nghị quyết của Quốc hội về thuế, phí, lệ phí, giảm trừ giá cảnh, giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm phí trước bạ, thuế thu nhập doanh nghiệp…

“Chính sách tài khóa trong khủng hoảng vô cùng quan trọng với bất cứ nước nào. Nên cần tiếp tục rà soát thực hiện ngay việc miễn giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính, đầu tư, logistics. Các bộ chủ động cân đối nguồn vốn để triển khai các gói hỗ trợ, kể cả dự trữ ngoại hối trong điều kiện cần thiết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đồng ý cho Bộ Tài chính đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để kích hoạt nền kinh tế, nâng trần nợ công.

Cũng trong phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến “xa lộ” các Hiệp định thương mại tự do là EVFTA, CPTPP. Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải chú ý để tận dụng thời cơ giải quyết vấn đề xuất nhập khẩu hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ vướng mặc, bất cập, tạo điều kiện thông quan hàng hóa, không để quy trình xuất nhập khẩu làm khó doanh nghiệp.

“Tôi đề nghị các ngành, địa phương phấn đấu không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu, tiếp tục cán mốc trên 500 tỷ USD và cao hơn thế nữa, trong đó ngành nông nghiệp đóng góp 41 tỷ USD. Giữ cán cán thương mại xuất siêu, 6 tháng xuất siêu trên 4 tỷ USD, năm nay phấn đấu mục tiêu này”, Thủ tướng đề nghị.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa các ngành kinh tế, tiếp tục xây dựng chương trình nông thôn mới…

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thu-tuong-phan-dau-khong-giam-chi-tieu-xuat-nhap-khau-tiep-tuc-can-moc-tren-500-ty-usd-129341.html