Thủ tướng: Phải bảo đảm an ninh lương thực để người dân yên tâm

Sáng 18-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 của Bộ Chính trị về Đề án 'An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020'. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương.

NDĐT - Sáng 18-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5-8-2009 của Bộ Chính trị về Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020". Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao Chính phủ triển khai rất tích cực trong thực hiện cả hai mục tiêu quan trọng là phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, kết quả bảo đảm an ninh lương thực quốc gia (ANLTQG) thời gian qua là vô cùng to lớn, thậm chí là vô cùng vĩ đại. Thành tựu đó đã được cả thế giới công nhận, vẫn là mong muốn, khát vọng của nhiều quốc gia khác. Điều này không những khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Nhà nước và đặc biệt là khẳng định vai trò rất quan trọng của nông dân Việt Nam nói chung, các nhà khoa học Việt Nam nói riêng. Đồng chí nhấn mạnh, chúng ta phải đặt ANLTQG trong chiến lược phát triển đất nước; nông nghiệp phải gắn với khoa học công nghệ (KHCN)... Phải quy hoạch lại sản xuất nói chung, không những từng vùng, từng địa phương trong vùng để phát huy lợi thế so sánh của quốc gia so với thế giới. Trong đó, cần cân nhắc vùng nào, chỗ nào là trồng lúa, bao nhiêu là vừa để bảo đảm ANLT, còn lại chuyển sang cây trồng khác...

Ảnh: TRẦN HẢI

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng luôn quan tâm nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chúng ta đã tổ chức thực hiện Đề án khá tốt từ T.Ư đến địa phương. T.Ư, Bộ Chính trị, Chính phủ đặt vấn đề ANLT là vấn đề lớn. Sản xuất tăng trưởng nhanh, ổn định, đa dạng, đã tạo khối lượng lương thực, thực phẩm (LTTP) cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân dân ở mức cao. Việt Nam có thể tự hào là một trong những nước có tuổi thọ bình quân thọ nhất châu Á; đã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy lợi thế trong nông nghiệp, đưa tốc độ phát triển sản xuất nông sản tăng mạnh, trong đó nhóm gạo xuất khẩu tăng trưởng ổn định. Cùng với phương pháp truyền thống, chúng ta có giải pháp KHCN, phát triển thủy lợi, phát triển năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai. Chúng ta cảm ơn giới khoa học đã nghiên cứu cách làm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu tạo ra nhiều giống mới. Do đó, trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn bảo đảm LTTP; chú ý thích đáng phát triển bền vững, chăm lo an sinh xã hội, chăm lo người có công, người nghèo. Công tác này được triển khai đồng bộ trên cả nước, nhờ đó đã giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo.

Chúng ta quan tâm toàn dân, những người nước ngoài đang phải cách ly hay điều trị dịch bệnh Covid-19 hiện nay; xử lý vấn đề nhân văn trong chữa trị. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ANLT cũng như vậy. Hằng năm Nhà nước hỗ trợ đầy đủ lương thực cho vùng thiên tai. Nhờ đó chúng ta đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Niềm tin này càng được khẳng định để chúng ta tự tin bước vào Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn đề cập những tồn tại, yếu kém, bất cập để các cấp, các ngành và địa phương nhận thức rõ, từ đó có các giải pháp khắc phục.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, ANLT càng trở nên bức thiết hơn bởi dân số ngày càng gia tăng, thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, tốc độ đô thị hóa... Do đó thử thách lớn, nếu chúng ta không nhận thức rõ sự bức thiết ANLT thì chúng ta sẽ sai lầm, do đó phải bảo đảm ANLT để người dân yên tâm. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu phải giữ vững quan điểm bảo đảm ANLT vững chắc trong mọi tình huống. Qua tình hình dịch bệnh Covid-19 khắp thế giới vừa rồi thì nhiều nơi, “có tiền chưa chắc đã mua được lương thực”. Chúng ta phải “chốt cứng” diện tích đất trồng lúa và sản lượng lương thực, không chạy theo thị trường; tinh thần là phải chủ động, tự cường đối với ANLT càng được đặt với nước ta; không có chuyện tự do chuyển đổi đất nông nghiệp. Nhất trí với sự đa dạng hóa trong nông nghiệp nhưng Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu hàng đầu là phải bảo đảm chủ động hơn LTTP.

Gắn sự phát triển nông nghiệp với tái cơ cấu chung nền kinh tế dựa trên nguyên tắc nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tiếp tục tái cơ cấu lại nông nghiệp để tìm phương án tối ưu, nâng cao năng suất trong phạm vi quốc gia. Riêng gạo và một số thực phẩm chủ lực của người dân thì chúng ta đặc biệt phải bảo đảm an toàn hướng tới nền kinh tế tự cường. Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới là một lợi thế có tính đặc thù có tính cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế.

Tại hội nghị này, Thủ tướng nhấn mạnh các mục tiêu quan trọng là: đáp ứng thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học, kể cả lượng và chất, đáp ứng quy mô dân số 104 triệu dân dự kiến vào năm 2030, góp phần cải thiện tầm vóc, chống tình trạng thấp bé, còi. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 9 đến 10%/năm; phấn đấu lĩnh vực nông nghiệp 2030 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD, đứng vào nhóm 10 nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Rà soát tài nguyên đất đai, phát huy lợi thế từng vùng, tăng hệ số che phủ rừng, không thể phá rừng để trồng cây nông nghiệp, trong đó là rừng đặc dụng và phòng hộ, phục vụ sự phát triển bền vững đất nước, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Đề cập một số giải pháp, Thủ tướng nêu rõ: lúa gạo và diện tích đất lúa, trong lương thực, gạo có vai trò quan trọng trong cơ cấu thực phẩm, cho nên chúng ta trình Bộ Chính trị, Chính phủ về việc cần phải giữ hơn 3,5 triệu ha đất lúa để bảo đảm lương thực, tương ứng 22 triệu tấn gạo để cân đối tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, chế biến, dự phòng luân chuyển. Diện tích đất lúa, gạo phải gắn với quy hoạch quốc gia, chiến lược sử dụng tài nguyên nước. Các loại thực phẩm thịt, sữa cần tăng nhanh từ một triệu tấn cần phải tăng lên ba triệu tấn đến năm 2030 vì đây là những thực phẩm cải thiện tầm vóc, giống nòi. Điều đáng mừng là đàn bò sữa lớn ở Việt Nam đã phát triển mạnh ở khu vực Đông- Nam Á. Tăng nhanh các nhóm thủy sản, trứng, thịt gà, thịt đỏ, rau củ quả có lợi cho sức khỏe và phù hợp cơ cấu dinh dưỡng tiến bộ, vi chất… Thủ tướng đưa ra một lời khuyên là nên giảm thịt lợn trong khẩu phần và cơ cấu sản xuất. Nhân dịp này, nêu rõ sẽ chủ trì một cuộc họp về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu giá thịt lợn phải giảm xuống nữa trong cơ cấu giá chứ không thể như hiện nay.

Trong phát triển nông sản, chú ý đồng bộ ba nhóm sản phẩm cấp quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh, nhóm 4.000 sản phẩm OCOP. Ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ 4.0; đẩy nhanh và phổ cập nhóm sản phẩm hữu cơ, tăng cường quản trị và liên kết hộ nông dân, HTX, DN, mỗi nhóm ngành hàng đều có các tập đoàn kinh tế lớn làm hạt nhân liên kết. Chú trọng giải pháp KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp và ANLT. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phải lắng nghe thêm các nhà khoa học trong vấn đề này. Hoàn thiện thúc đẩy thị trường KHCN, ưu tiên công tác chọn, tạo giống không chỉ lúa mà cả tất cả nhóm hàng nông lâm thủy sản, tạo giống mới có tiềm năng kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nguyên liệu chế biến, tiêu thụ, phát triển các thiết chế để thực hiện tích tụ ruộng đất.

Thủ tướng vui mừng lĩnh vực xuất khẩu lâm sản có kim ngạch đã đạt 12 tỷ USD, do đó cần phấn đấu đến giai đoạn 2025-2030 lên 20 tỷ USD. Do đó phát triển vùng nguyên liệu là hướng đi đúng. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất cho nông nghiệp, không thể tình trạng manh mún thì khó phát triển. Chính phủ đã trình Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề án tích tụ ruộng đất; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một Nghị quyết về vấn đề này. Về huy động nguồn lực, cần xác định đầu tư phát triển chỉ có thể thành công khi có Nhà nước, DN, người nông dân cùng tham gia. Thời gian gần đây, nông nghiệp phát triển nhanh trong đó có yếu tố nhiều HTX, DN bắt đầu đầu tư mạnh vào lĩnh vực này; 7/10 tập đoàn kinh tế lớn đang làm nông nghiệp và phần lớn thành công.

Sau hội nghị này, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNTvà Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo xây dựng dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị làm cơ sở cho thời gian tới triển khai. Xây dựng một Nghị quyết mới của Chính phủ thay thế Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ ngày 23-12-2009 để phù hợp hơn trong tình hình mới; xây dựng Đề án bảo đảm ANLTQG giai đoạn 2021-2030 trình Bộ Chính trị. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động của mình nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết mới để tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm lo vụ hè thu, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ, hạn hán ở Tây Nguyên. Thủ tướng tin tưởng với truyền thống, chúng ta sẽ phát triển nông nghiệp thành công, nhất là bảo đảm ANLTQG.

Giai đoạn 2009 - 2019, GDP toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá đạt 2,61%/năm; sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; vận hành theo cơ chế thị trường, bảo đảm vững chắc ANLTQG. Kết quả sản xuất LTTP: Trồng trọt: giá trị sản xuất tăng 2,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,99%/năm, đã có bảy mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD/năm; trong các sản phẩm, cây ăn quả có diện tích tăng nhanh nhất gần 150 nghìn ha, sản lượng lúa tăng từ 38,7 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn. Chăn nuôi: giá trị sản xuất tăng 5,2%/năm; sản lượng thịt hơi các loại tăng 35,8% so với năm 2009, trong đó thịt lợn hơi tăng 25,7%, thịt gia cầm tăng 2,1 lần; sữa các loại tăng 3,36 lần; trứng tăng 2,13 lần. Thủy sản: giá trị sản xuất tăng 3,91%/năm; sản lượng thủy sản tăng từ 4,85 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43666002-thu-tuong-phai-bao-dam-an-ninh-luong-thuc-de-nguoi-dan-yen-tam.html