Thủ tướng Pakistan: Chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan chắc chắn sẽ thất bại

Với sự trợ giúp và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng, Pakistan dường như đang muốn nới lỏng quan hệ với Trung Quốc và muốn tăng ảnh hưởng với Afghanistan.

Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi.Ảnh: Asim Hafeez/Bloomberg

Thất bại hiển hiện

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg ở thành phố Karachi cuối tuần trước, Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi cho rằng, chiến lược mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới công bố nhằm cứu vãn cuộc chiến ở Afghanistan – cuộc can dự quân sự dài nhất của nước Mỹ – sẽ cùng chung số phận thất bại như kế hoạch của những người tiền nhiệm.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã nói chiến lược quân sự ở Afghanistan không hiệu quả và sẽ luôn như vậy”, Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi nói. Ông cho rằng Mỹ cần phải có giải pháp toàn diện cho chiến trường này.

Ông Abbasi mới nhậm chức thủ tướng hồi đầu tháng này sau khi tòa án tối cao Pakistan phế truất ông Nawaz Sharif hồi tháng 7 vì bê bối tham nhũng.

Vị tân thủ tướng khẳng định Pakistan ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố và bằng mọi cách ngăn chặn sự lây lan chiến tranh từ Afghanistan sang nước này bởi hai nước có chung đường biên giới dài 2.500 km.

Theo ông Abbasi, thất bại của ông Trump trong giải quyết cuộc chiến ở Afghanistan khiến nước Mỹ chịu nhiều tổn thất cả về nhân lực và vật lực cho khi đã để mất hàng nghìn binh lính và “nướng” 714 tỷ USD ở chiến trường này. Không những thế, Mỹ còn bị lún sâu hơn vào xung đột với các nước liên quan như Trung Quốc và Pakistan.

Tuy vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây vẫn nói rằng chiến lược mới của Nhà Trắng nhằm gây áp lực buộc phiến quân Taliban phải xuống nước đàm phán với chính phủ Afghanistan và gửi thông điệp cho tổ chức khủng bố này là nước Mỹ không bao giờ rút quân.

Tổng thống Trump đã nói rõ động thái này là bước ngoặt về mặt chiến lược quân sự và ông không đưa ra bất kỳ mốc thời gian nào, nhưng vẫn khằng định “sự kiên nhẫn của nước Mỹ cũng có giới hạn”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Tuy nhiên, hiện chính phủ Afghanistan đang mất dần thế kiểm soát vào tay phiến quân Taliban khi nhóm này đã chiếm được 40% diện tích đất nước. Theo giới chức Mỹ, chiến tích này có được là nhờ vào sự trợ giúp của quân đội Pakistan. Đương nhiên, quốc gia Nam Á không thừa nhận điều này.

Lập trường cứng rắn của Pakistan

Trong các cuộc không kích ở Afghanistan trước kia, quân đội Mỹ từng dùng máy bay không người lái tấn công các nhóm được cho là khủng bố ở Pakistan, còn liên minh quân sự NATO cũng chuyển vũ khí vào Afghanistan qua cảng biển và đường bộ của Pakistan.

Binh lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: ABC News

Nhưng ông Abbasi khẳng định rằng Pakistan không có ý định cho phép bất cứ nước nào sử dụng lãnh thổ của họ để tiến đánh Afghanistan, và cho rằng những gì xảy ra ở đất nước láng giềng không nên dây dưa đến nước ông. Ông cũng nhấn mạnh nước này cũng không chứa chấp bất kỳ phần tử khủng bố nào.

Tháng trước, quân đội Pakistan tiến hành cuộc tấn công khủng bố ở khu vực bộ lạc Khyber sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) tăng cường sự hiện diện dọc biên giới Pakistan – Afghanistan. Trước đó, họ đã dọn sạch vùng bắc Waziristan giáp biên giới Afghanistan, nơi quân đội Mỹ gọi là “ổ” khủng bố.

Lập trường của chính phủ Pakistan có thể sẽ làm khó kế hoạch của Tổng thống Trump vì mới đây ông này cam kết điều thêm quân đến Afghanistan và kêu gọi Pakistan ngừng chứa chấp các phần tử khủng bố.

Theo Burzine Waghmar thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pakistan tại Viện Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi có trụ sở ở London, Washington và Islamabad xưa nay không có tiếng nói chung vì họ theo đuổi mục tiêu khác nhau: Pakistan không muốn Afghanistan phụ thuộc vào họ, còn Mỹ lại mong điều ngược lại. Nhưng cả hai đều làm ra vẻ hợp tác với nhau.

Số liệu của Bộ Tài chính của Pakistan cho thấy cuộc chiến chống khủng bố trong nước đã khiến nền kinh tế của nước này chịu thiệt hại khoảng 120 tỷ USD và hơn 60.000 người đã thiệt mạng. Pakistan cũng là một trong những nơi tiếp nhận lượng người tị nạn nhiều nhất thế giới, nhất là người Afghanistan di cư để tránh chiến tranh nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, Pakistan cũng bắt đầu trao trả người tị nạn và chuẩn bị dựng hàng rào dọc biên giới để ngăn chặn sự di chuyển xuyên biên giới của quân Taliban.

Thủ tướng Abbasi cho biết Pakistan sẵn sàng hợp tác với các nước, kể cả Ấn Độ – nước mà Tổng thống Mỹ nhờ giúp để phát triển kinh tế Afghanistan – vì sự ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Pakistan cũng không quên chú trọng việc đối phó với Taliban. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ vô điều kiện, miễn là liên quan đến chủ nghĩa khủng bố”, ông nhấn mạnh.

Vai trò của Trung Quốc

Theo hãng tin Bloomberg, sự trợ giúp của Trung Quốc sẽ giúp Pakistan thách thức Mỹ.

Chủ nhật tuần trước, ông Abbasi tuyên bố hoãn chuyến thăm của một phái đoàn Mỹ đến Pakistan. Còn trong tuần trước, quân đội Pakistan tuyên bố họ không cần viện trợ tài chính từ Mỹ. Ngay cả ông Shehbaz Sharif, em trai của thủ tướng mới bị phế truất Nawaz Sharif và là người đứng đầu tỉnh Punjab - tỉnh lớn thứ hai của Pakistan, cũng kêu gọi ngừng nhận viện trợ của Mỹ.

Trong khi đó Trung Quốc, nước đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chiến lược ở Nam Á, đã rót hơn 50 tỷ USD vào các dự án hạ tầng ở Pakistan.

Ngoài trao đổi thương mại với Pakistan đang đà tăng, Trung Quốc đã rót 2,8 tỷ USD vốn FDI vào Pakistan trong vòng 4 năm qua, trong khi con số này từ Mỹ chỉ là 533 triệu USD.

Các nhà phân tích cho rằng với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc, quân đội Pakistan có ít động lực hơn để ngừng hậu thuẫn ngầm các nhóm nổi dậy hoạt động trong lòng Afghanistan và Ấn Độ, trong khi vẫn đối phó với các thành phần đe dọa an ninh trong nước.

“Trung Quốc hiện là lá chắn để Pakistan tiếp tục trò chơi kép của mình”, theo Harsh Pant, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học King’s London. “Mỹ càng cắt viện trợ, thì Pakistan càng kỳ vọng Trung Quốc lấp khoảng trống”.

LINH PHẠM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/thu-tuong-pakistan-chien-luoc-moi-cua-my-o-afghanistan-chac-chan-se-that-bai-3135152.html