Thủ tướng: 'Nông dân cần chủ động chuyển mình trước khi Nhà nước cứu mình'

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nông dân cần phải tự đổi mới, chủ động hơn nữa trong tái cơ cấu tổ chức sản xuất phù hợp từng hộ gia đình, thích nghi với biến đổi khí hậu. Trên hết, người nông dân cần chủ động chuyển mình trước khi nhà nước cứu mình.

Người đứng đầu Chính phủ phát biểu như trên tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 10/12 tại Cần Thơ,.

Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch TWMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các thành viên chính phủ, đại diện các ban, ngành, lãnh đạo địa phương cùng hơn 600 đại biểu là nông dân tiêu biểu trên toàn quốc, các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham dự.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xem nông nghiệp, nông dân là mặt trận quan trọng cần được đầu tư, phát triển toàn diện.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xem nông nghiệp, nông dân là mặt trận quan trọng cần được đầu tư, phát triển toàn diện.

Trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề nông dân dân quan tâm

Báo cáo trước toàn thể hội nghị, thay mặt đông đảo nông dân cả nước, Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, trong 10 năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều khởi sắc, thành tựu nổi bật trên nhiều mặt trận.

Năm 2019, ước tính cả nước thu hoạch hơn 43 triệu tấn lúa, khai thác thủy sản đạt trên 7,6 triệu tấn…mang lại giá trị thương mại đạt gần 10 tỷ USD. Dù vậy, nông dân nước ta đang đối diện với những khó khăn, nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản, nhiều thách thức trong hội nhập và những tác động do biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cùng các thành viên chính phủ trực tiếp giải đáp những kiến nghị, thắc mắc được nông dân cả nước quan tâm.

Bày tỏ lo lắng về dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại nặng nề trong thời gian qua, nông dân Nguyễn Chí Công (Đại biểu tỉnh Đồng Nai) nêu câu hỏi, Chính phủ có những bước hỗ trợ gì cho người dân bị thiệt hại và tái đàn để ổn định kinh tế, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn.

Giải đáp thắc mắc này, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, giá trị sản phẩm từ heo chiếm khoảng 10% GDP tỷ trọng ngành nông nghiệp cả nước, đợt dịch bệnh vừa qua Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm trực tiếp hỗ trợ để nông dân không bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng có cơ chế kéo dài thời gian vay vốn, tạo điều kiện tiếp tục vay mới để nông dân có thể tái đàn, ổn định sản xuất.

Về vấn nạn tín dụng đen, nông dân Nguyễn Ngọc Đãi (Đại biểu tỉnh Bình Định) nêu câu hỏi, Chính phủ có chủ trương gì để bài trừ vấn nạn này đang len lỏi vùng nông thôn?. Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, kiểm soát chặt, xử lý nghiêm nạn tín dụng đen là nhiệm vụ trọng tâm. Thực tế, đã khởi tố nhiều vụ án nổi cộm ở một số địa phương như: Đăk Nông, Gia Lai, Cần Thơ.

Cũng theo ông Nam, để giải quyết dứt điểm nạn tín dụng đen, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và quan trọng cần phối hợp của nhân dân trong đấu tranh tố giác tội phạm.

Nông dân nêu câu hỏi đến Thủ tướng tại hội nghị.

Cũng liên quan đến ngăn chặn nạn tín dụng đen tại nông thôn, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú thông tin thêm, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có gói 5 nghìn tỷ đồng cam kết cho vay tập trung cho vay tiêu dùng (chữa bệnh, sản xuất…) đảm bảo lãi suất hợp lý và góp phần hạn chế tín dụng đen tại nông thôn.

Nông dân cần có tư duy đổi mới toàn diện

Sau khi lắng nghe những kiến nghị, thắc mắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ và khát vọng vươn lên của bà con nông dân. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xem nông nghiệp, nông dân là mặt trận quan trọng cần được đầu tư, phát triển toàn diện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan sản phẩm từ nông nghiệp bên lề hội nghị.

Đặc biệt, Thủ tướng không quên biểu dương những đóng góp của nông dân nước ta khi liên tục đánh dấu nhiều bước ngoặc quan trọng không ngừng nâng cao sản lượng lẫn chất lượng, tạo nền tảng vững chắc giữ vững an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. “Từ một nước thiếu ăn phải nhập khẩu, hiện nay chúng ta đang là cường quốc đứng nhất nhì thế giới trong xuất khẩu gạo, đây là thành tựu nổi bật trong sự nghiệp đổi mới do nông dân trực tiếp đóng góp”, Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn nông nghiệp cần phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững và khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường cải cách thể chế, dự báo tình hình, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến công tác quy hoạch, yếu tố thị trường, kịp thời cảnh báo về dịch bệnh, môi trường ở nông thôn. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi nông nghiệp hữu cơ. Chú trọng tạo điều kiện khởi nghiệp nông thôn theo hướng hiệu quả. Đồng thời, có biện pháp nhằm tránh tình trạng “trúng mùa mất giá – được giá mất mùa” gây thiệt hại cho nông dân.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Trung ương Hội nông dân Việt Nam trao hàng chục phần quà cho các nông dân tiêu biểu.

Kế đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và địa phương tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay với lãi xuất hợp lý, tuyệt đối không gây phiền hà gây bức xúc trong nhân dân.

Đối với người nông dân Việt Nam, Thủ tướng đặt vấn đề: “Một câu hỏi lớn là nông dân cần làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác, đó là nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Người nông dân cần nâng cao học vấn, và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường, phải tự đổi mới, chủ động hơn nữa trong tái cơ cấu tổ chức sản xuất từng hộ gia đình và thích nghi với biến đổi khí hậu, đã đến lúc nông dân cần chuyển mình trước khi nhà nước cứu mình”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý.

Hơn 2.000 câu hỏi của nông dân được gửi lên Thủ tướng

Với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Đây là lần thứ 2 người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau thành công lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương (4/2018).

Theo Ban Tổ chức, trước thềm hội nghị đã có hơn 2.000 câu hỏi của bà con nông dân cả nước được gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Các câu hỏi của bà con nông dân tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; Vấn đề về đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; Vấn đề về vốn, đảm bảo an sinh xã hội cho bà con nông dân.

Hải Âu - Nguyễn Cuộc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/thu-tuong-nong-dan-can-chu-dong-chuyen-minh-truoc-khi-nha-nuoc-cuu-minh-483992.html