Thủ tướng nói gì tại Quốc hội về các dự án BOT?

Đánh giá cao việc kêu gọi các nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho biết 'BOT còn nhiều bất cập khi triển khai, quy hoạch chồng chéo, không đồng bộ. Có những tuyến đường gây bất bình dư luận, cơ chế thể chế chính sách về BOT còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu giám sát kiểm tra'.

Chiều ngày 18/11, Quốc hội dành toàn bộ thời gian để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn.

Chiều ngày 18/11, Quốc hội dành toàn bộ thời gian để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn. Đây sẽ là phiên chất vấn dài nhất dành cho Thủ tướng trong nhiều khóa Quốc hội gần đây.

Thiếu giám sát BOT

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nói, cử tri băn khoăn về chất lượng tăng trưởng, Thủ tướng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thứ hai, Thủ tướng có biện pháp gì để nâng cao chất lượng các dự án BOT?

Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng nói BOT có rất nhiều cái được, nhất là việc huy động nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng. Trong những năm qua, lĩnh vực giao thông đã huy động được 210.000 tỷ đồng thông qua các dự án BOT.

“Tuy nhiên BOT còn nhiều bất cập khi triển khai, quy hoạch chồng chéo, không đồng bộ. Có những tuyến đường gây bất bình dư luận, cơ chế thể chế chính sách về BOT còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu giám sát kiểm tra”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, đấu thầu công khai chứ không phải chỉ định, phải làm kỹ để có những công trình BOT tốt hơn.

Bình tĩnh với đô thị thông minh

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) chất vấn Thủ tướng về đô thị thông minh, “Chính phủ sẽ hỗ trợ gì cho các địa phương để thực hiện đô thị thông minh?”

Trả lời Đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương bình tĩnh trong việc chọn mô hình thành phố thông minh và việc triển khai phải thận trọng.

Thủ tướng cho biết ,Chính phủ sẽ hỗ trợ mức cao nhất cho các địa phương để thực hiện mô hình này vì đây là xu hướng cần thiết. "Tuy nhiên tôi cũng cảnh báo như đã nêu, nếu không thì cũng dễ dẫn tới thất bại!", Thủ tướng nói.

Đô thị thông minh là xu thế của thế giới. Mục tiêu cơ bản là nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng hiệu quả năng lượng, đối phó ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ công và quản lý hiệu quả tài nguyên. Để dân cứ sống trong cộng đồng, xanh an toàn, bền vững. Trên cơ sở đó xây dựng chính quyền kiến tạo, gần dân, sát dân.

Thủ tướng rất hoan nghênh một số TP, tỉnh triển khai như Bình Dương, TPHCM... "nhưng còn nhiều khó khăn về xây dựng, tài chính, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là vấn đề an ninh mạng là rất lớn. Có cơ sở dữ liệu quốc gia thì ta mới xây dựng tốt đô thị thông minh. Ta đừng chạy theo phong trào xây dựng thành phố thông minh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, trước hết cần tập trung vào chính quyền điện tử, và đủ điều kiện thì mới tiến hành TP thông minh. Chính vì vậy có giải pháp cần thiết là có số liệu chính xác, có công nghệ và có con người thì mới xây dựng được. Mong các địa phương bình tĩnh trong chọn phương án xây dựng nếu không dễ thất bại.

Về mức độ độc lập tự chủ kinh tế Việt Nam, đây là câu hỏi cần thiết." Bác Hồ nói không có gì quý hơn độc lập tự do. Độc lập tự chủ vì kinh tế cũng rất cần thiết khi hội nhập. Đó là cần thiết trong nhận thức và hành động. Ta phải có cơ cấu kinh tế hợp lý. Đất nước ta không thể không có nông nghiệp nhưng cơ cấu nào? Nền kinh tế an toàn bền vững, có năng lực cạnh tranh cao, phải giải quyết được các cân đối lớn. Ta không quá phụ thuộc vào một thị trường nên chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ thương mại. Điều đáng mừng, qua nhiều năm xây dựng phát triển, độc lập tự chủ kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường tốt hơn", Thủ tướng cho biết.

Về lo lắng của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), "Tại sao đất nước vẫn chưa phát triển như đúng tiềm năng? Thứ hai, là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng sẽ có biện pháp gì để đưa các vụ đại án xét xử nghiêm minh trước pháp luật?"

Thủ tướng nói: “Đảng ta xác định từ lâu đó là tụt hậu, diễn biến hòa bình, rồi việc suy thoái, tình trạng "trên nóng dưới lạnh, cán bộ chưa sát dân, xa dân, quan liêu, cái đó rất báo động và lo lắng”.

Theo thủ tướng phải tiếp tục liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thu-tuong-noi-gi-tai-quoc-hoi-ve-cac-du-an-bot-120404.html