Thủ tướng nhiễm virus - dịch bệnh đe dọa chính phủ Anh ở cấp cao nhất

Trong các lãnh đạo phương Tây, thủ tướng Anh ban đầu khá kiên quyết không muốn ra lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19. Nhưng ông lại là người đầu tiên trong số họ nhiễm bệnh.

Việc ông Boris Johnson xét nghiệm dương tính đang đẩy chính phủ Anh, vốn đang chịu nhiều chỉ trích, rơi vào khủng hoảng. Nỗi lo virus lan rộng trong chính phủ càng tăng lên khi hai quan chức cao cấp khác cũng vừa dương tính, theo New York Times.

Trước đó Thái tử Charles, 71 tuổi, con trai cả của Nữ hoàng Elizabeth II, cũng cho biết đã có kết quả dương tính. Nước Anh đứng trước viễn cảnh phải đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II trong khi các lãnh đạo cấp cao lại phải cách ly.

 Thủ tướng Anh Boris Johnson ban đầu có sự chần chừ trong việc đưa ra các biện pháp mạnh chống dịch Covid-19. Ảnh: Pool/New York Times.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ban đầu có sự chần chừ trong việc đưa ra các biện pháp mạnh chống dịch Covid-19. Ảnh: Pool/New York Times.

Virus đe dọa quan chức cao cấp Anh

Ông Johnson, 55 tuổi, cho biết vẫn sẽ tiếp tục công việc. Ông đăng video lên Twitter, lấy chính mình làm ví dụ để kêu gọi mọi người làm việc từ xa và tuân thủ các biện pháp giữ khoảng cách khi tiếp xúc mà chính phủ đã ban hành.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cũng đã dương tính với virus corona. Cả ông Johnson và ông Hancock đều khẳng định chỉ có triệu chứng nhẹ. Như vậy, hai chính khách trực tiếp phụ trách ứng phó với dịch bệnh ở Anh đều đã nhiễm bệnh.

Đó là những thay đổi chóng mặt cho chính phủ Anh mà chỉ hơn hai tuần trước vẫn tỏ ra bình thản dù dịch bệnh đã căng thẳng ở châu Âu.

Cố vấn y tế trưởng của chính phủ Anh, ông Chris Witty, cũng cho biết đang có triệu chứng, và đang tự cách ly. Đang có những lo ngại về các quan chức đã họp với Thủ tướng Johnson.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã dương tính với virus corona. Ảnh: Getty Images.

Một số lãnh đạo khác trên thế giới, bao gồm ở Đức và Canada, đã tự cách ly trong những ngày qua. Nhưng chưa có nước nào ở phương Tây mà hệ thống chính trị đang bị dịch bệnh đe dọa như ở Anh trong tuần qua.

Một câu hỏi quan trọng là có bao nhiêu người đã tiếp xúc với ông Johnson trong những ngày gần đây.

Nhiều người làm việc ở Phố Downing đã bắt đầu tự cách ly sau khi có triệu chứng. Nhưng không có cơ chế truy tìm quá trình tiếp xúc, theo các quan chức.

Nỗ lực xét nghiệm của Anh cũng đã bị chỉ trích trong những ngày qua vì không theo kịp các nước châu Âu khác.

Tuy nhiên, ông Johnson vẫn cố gắng hạ thấp nguy cơ đối với các quan chức nội các hay các quan chức đã tiếp xúc với ông Johnson, lập luận rằng chính phủ đã làm theo các khuyến nghị được ban hành đối với công chúng, tức giữ khoảng cách 2 m.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) phát biểu tuyên dương hệ thống y tế quốc gia (NHS) tối ngày 26/3, một ngày trước khi ông thông báo đã nhiễm virus. Ảnh: AP.

Một tuần thay đổi chóng mặt trong chính sách

Cho đến trước tuần này, ông Johnson vẫn tỏ ra khá điềm tĩnh so với các nước châu Âu khác. “Tôi bắt tay với tất cả”, ông nói về một chuyến thăm gần đây tới một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Khi ấy, thủ tướng Anh cũng không muốn đóng cửa quán bar, nhà hàng, dù yêu cầu người dân không tụ tập. Ông vẫn để trường học mở cửa dù Pháp và Đức đã đóng.

Ông Johnson khẳng định các quyết sách của ông được đưa ra dựa vào các cố vấn y học và khoa học, và có chiến lược rõ ràng dựa trên khoa học hành vi, theo đó chính phủ nên đưa ra các biện pháp hạn chế tiếp xúc một cách từ từ, theo đúng trình tự, thì mới có sự tuân thủ từ công chúng.

Nhưng đồng thời, các quan chức chính phủ khiến công chúng phản ứng dữ dội khi nhắc đến khái niệm “miễn dịch bầy đàn”, và một số tài liệu dường như nhắc tới khả năng để virus phát tán tự do để một số lượng lớn người dân có miễn dịch tự nhiên, giúp họ chống được virus khi có các đợt bùng phát sau này.

Cảnh sát đứng gác ở lối vào Phố Downing, nơi ông Johnson đang tự cách ly. Ảnh: New York Times.

Số ca nhiễm cũng bắt đầu tăng mạnh, và các chuyên gia cảnh báo nước Anh có nguy cơ lặp lại vết xe đổ của Italy, nơi mà số ca nhiễm đã bùng nổ, khiến hệ thống y tế quá tải. Một báo cáo quan trọng từ trường Imperial College London cảnh báo số ca tử vong có thể lên tới 250.000 người.

Dự báo kinh hoàng đó khiến ông Johnson thay đổi quyết định cuối tuần qua. Ngày 23/3, ông cấm tụ tập trên hai người ở nơi công cộng, và kêu gọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi phải mua thức ăn, mua thuốc hay buộc phải đi làm.

Số ca tử vong vì virus corona ở Anh đã vượt qua mốc 1.000. Theo số liệu chính thức công bố ngày 28/3, Anh có 1.019 ca tử vong, tăng mạnh so với 759 ca tính đến một ngày trước đó.

Tính đến chiều 28/3 (theo giờ Việt Nam), đã có 17.089 người ở Anh dương tính với Covid-19, trên tổng số 120.776 lượt xét nghiệm.

Kể từ đó, ông Johnson liên tục kêu gọi mọi người giữ khoảng cách, kêu gọi người Anh đoàn kết trong một nỗ lực quốc gia có cảm giác như thời kỳ Anh bị Đức oanh tạc trong Thế chiến II, New York Times bình luận.

Chỉ trong hai ngày, hơn 600.000 người đăng ký tình nguyện hỗ trợ hệ thống y tế quốc gia (NHS) hoặc hỗ trợ hơn 1,5 triệu người cao tuổi và người có nguy cơ cao, mà chính phủ đã yêu cầu tự cách ly 12 tuần. Tối 26/3, hàng chục nghìn người Anh đứng ở ban công cùng vỗ tay ca ngợi các y bác sĩ.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thu-tuong-nhiem-virus-dich-benh-de-doa-chinh-phu-anh-o-cap-cao-nhat-post1065648.html