Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và cuộc cách mạng làm thay đổi xã hội Nhật

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã mở cửa một trong những đất nước khép kín nhất thế giới để đón nguồn nhân lực ngoại có trình độ.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: Nikkei

Nếu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chiến thắng trong cuộc bầu cử bầu ra lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong ngày 20/9 tới đây, ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Nhật thêm 3 năm nữa. Nếu khả năng trên thành hiện thực, ông sẽ trở thành Thủ tướng đi vào lịch sử - nếu chỉ xét riêng thời gian ông nắm quyền Thủ tướng Nhật.

Nếu ông tiếp tục tại vị cho đến mùa hè năm 2020, ông sẽ vượt qua cựu Thủ tướng Eisaku Sato về thời gian nắm quyền Thủ tướng. Đến cuối năm 2019, ông sẽ vượt qua cựu Thủ tướng Taro Katsura về tổng số ngày làm Thủ tướng Nhật.

Trước đây, ông Taro Katsuka từng làm Thủ tướng Nhật trong 2.886 ngày.

Để có thể tìm được một nhà lãnh đạo nước Nhật từng nắm quyền lâu hơn, chắc chắn người ta phải quay về thế kỷ 19, khi mà các võ sĩ đạo đang nắm quyền nước Nhật.

Sẽ thật khó để lượng hóa được di sản của Thủ tướng Abe sau hơn 1 thập kỷ ông nắm quyền. Chắc chắn đó không phải chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế Abenomics hay việc ông muốn thay đổi hiến pháp Nhật.

Theo báo Nikkei, thay vào đó, có lẽ người ta sẽ nhớ đến ông về cuộc cách mạng âm thầm đã làm thay đổi bộ mặt của nước Nhật. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã mở cửa một trong những đất nước khép kín nhất thế giới để đón nguồn nhân lực ngoại có trình độ, cùng lúc đó, đồng thời thay đổi cả luật, trong đó có luật cho phép người Nhật nghỉ hưu ở độ tuổi muộn hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.

Ông Abe là con trai lớn của cựu Thủ tướng Nhật Nobusuke Kishi. Ông đã bắt đầu lên làm Thủ tướng Nhật từ năm 2006 với lời thề sẽ thay đổi hiến pháp Nhật. Khi đó mới 52 tuổi, ông trở thành Thủ tướng Nhật trẻ nhất thời kỳ Hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Gia thế giúp cho ông vươn lên vị trí cao nhất dù tuổi còn trẻ và dù ông có cách tiếp cận với vấn đề Triều Tiên một cách rất cứng rắn. Ông lập tức đưa vấn đề người Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật vào thập niên 1970 và 1980 đưa ra tranh cãi. Cùng lúc đó, ông phát hành ra một cuốn sách thể hiện quan điểm xây dựng nước Nhật của ông.

Tuy nhiên, bệnh tật và sự thất bại tại Thượng viện đã khiến ông phải dừng bước chỉ 366 ngày sau đó. Khi kể lại câu chuyện về thời kỳ đó, ông nói: “Tôi mất hết cả danh dự và sự lòng tự tôn”.

Thủ tướng Abe từng thừa nhận thất bại vào năm 2009.

Đảng LDP khi đó đã vô cùng khó khăn. Năm 2009, đảng mất đi thế kiểm soát mà đảng đã không ngừng nắm giữ suốt từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Cùng lúc đó, Thủ tướng Abe tập trung vào việc lấy lòng cử tri tại tỉnh nhà của ông, tỉnh Yamaguchi.

Cơ hội thứ 2 của ông đến sớm hơn so với kỳ vọng. Năm 2012, một lần nữa ông lại trở thành chủ tịch đảng LDP nhờ tích cực quảng bá cho chương trình Abenomics – chương trình kích thích kinh tế có mục tiêu hỗ trợ cho kinh tế Nhật thông qua các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tăng cường chi tiêu công.

Từ đó đến nay, không ai có thể chiến thắng được ông. Đảng LDP chiến thắng liên tiếp trong các cuộc bầu cử - một thành công cực lớn nếu xét đến việc Nhật thay đến 5 Thủ tướng khi ông Abe đang tạm rời khỏi chính trường.

Khi trở lại, ông đã học từ những sai lầm trong quá khứ. Ông gạt sang bên lý tưởng xây dựng cái gọi là “đất nước tươi đẹp” và thay vào đó tập trung vào kích thích kinh tế tăng trưởng. Thông thường, sự ủng hộ với đảng LDP thường tăng lên khi kinh tế tăng trưởng tốt.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - Ảnh: Nikkei

Có không ít ý kiến chỉ trích Thủ tướng Abe rằng thực ra ông chỉ ăn may, đó là khi kinh tế thế giới tăng trưởng tốt, chính sách tiền tệ lỏng lẻo kết hợp với đồng yên yếu.

Dù thành công có được do ông thông minh hay may mắn, dưới thời kỳ của ông, chỉ số Nikkei 225 đã tăng hơn gấp đôi từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. Đồng yên yếu giúp hỗ trợ cho chính sách tiền tệ táo bạo của nước Nhật, làm tăng xuất khẩu và giúp du lịch Nhật phục hồi cực kỳ ấn tượng.

Dù số lượng người trong độ tuổi lao động tại Nhật giảm 4,5 triệu nhưng tổng số lao động đã tăng 2,5 triệu. Kết quả tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật hiện ở mức 2,5%, gần sát mức thấp nhất trong 25 năm trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 ở mức 4,3%. Trong khi lợi nhuận doanh nghiệp ở mức cao kỷ lục, nguồn thu thuế của chính phủ Nhật cũng lên cao chưa từng có.

Trong lần thứ 2 làm Thủ tướng Nhật, ông Abe dường như đã thực sự hiểu được bí quyết thành công của đảng LDP: sự thực dụng. Thực tế có giá trị hơn lý tưởng. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc Thủ tướng Abe quyết định mở cửa đón lao động nước ngoài.

Dưới thời của Thủ tướng Abe, số lượng người lao động nước ngoài đến Nhật tăng gấp đôi lên 1,3 triệu. Người lao động Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đổ đến Nhật nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt lao động trong những ngành y tế, xây dựng và bán lẻ.

Trước đây, khi kinh tế Nhật còn đang chìm trong vòng xoáy giảm phát, người ta không nhìn thấy rõ tác hại của một đất nước có dân số già. Thế nhưng một khi kinh tế tăng trưởng trở lại vào năm 2013, các doanh nghiệp bắt đầu lo lắng về một lực lượng lao động ngày một teo nhỏ.

Khi mà không ít người đang lo ngại về khả năng đảng LDP sẽ không thắng lớn vào mùa hè năm sau, giấc mơ của Thủ tướng Abe sẽ có thể không trở thành hiện thực. Thế nhưng ngay cả nếu không có thành công đó, Thủ tướng Abe vẫn sẽ luôn được người ta nhớ đến trong vai trò một nhà lãnh đạo đã khởi đầu cuộc cách mạng quan trọng trong xã hội Nhật.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/thu-tuong-nhat-shinzo-abe-va-cuoc-cach-mang-lam-thay-doi-xa-hoi-nhat-3469138.html